Cần quy định giao quyền cho chức danh cấp tỉnh bị khuyết
Sáng 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thiếu quy định giao quyền cho chức danh cấp tỉnh bị khuyết
Tham gia ý kiến tại nghị trường, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đi vào ý kiến cụ thể, đại biểu cho biết, Khoản 4, Điều 29 về nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định rất rõ, chi tiết một số trường hợp mà khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, còn một số trường hợp chưa được quy định.
![Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 15/2. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51482445/26c1cf3dfc73152d4c62.jpg)
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 15/2. Ảnh: QH
Theo đại biểu, dự thảo mới chỉ quy định trường hợp Chủ tịch HĐND cấp xã bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm bãi nhiệm thì Thường trực HĐND cấp huyện quyết định việc giao phó chủ tịch HĐND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của chủ tịch HĐND.
“Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật cũng thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì trong dự thảo chưa quy định việc giao cho phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐND để điều hành việc miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐND”, đại biểu cho biết.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung như sau: “Trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Thường trực HĐND cùng cấp giao cho phó chủ tịch HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐND cho đến khi bầu được chủ tịch HĐND mới”.
![ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51482445/c81426e815a6fcf8a5b7.jpg)
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: QH
Tuy nhiên, trong trường hợp khuyết phó chủ tịch HĐND thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với HĐND tỉnh) và thường trực HĐND cấp tỉnh (đối với hội đồng nhân dân cấp huyện) chỉ định người điều hành HĐND trong số đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐND cho đến khi bầu được chủ tịch HĐND mới.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/2 trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng cho rằng: thực tế vừa qua, nhiều địa phương diễn biến bất thường, xảy ra tình trạng khuyết chức danh Chủ tịch UBND trong thời gian dài, ảnh hướng rất lớn đến việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lần này, Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã quy định về việc giao quyền Chủ tịch UBND và Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật đều không quy định về thời gian để thực hiện, đây là một khoảng trống cần được bổ sung quy định cụ thể.
Do đó, đề nghị khuyết chức danh ở cấp nào thì phải có thời gian cụ thể để giao quyền Chủ tịch UBND ở cấp đó. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề xuất trong thời gian 30 ngày đối với cấp tỉnh, 20 ngày đối với cấp huyện, 10 ngày đối với cấp xã HĐND cấp đó trình cấp trên để giao quyền Chủ tịch UBND.
Xem xét trao quyền cho chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND các cấp tại các điều 18, 21, 24.
Tại Tờ trình số 75 ngày 9/2/2025 của Chính phủ đã nhận định vấn đề còn tồn tại, bất cập đó là tổ chức và hoạt động của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, hoạt động của UBND các cấp còn nặng về sự điều hành về tập thể ủy ban mà chưa phát huy được thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là chủ tịch UBND làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả, tính kịp thời trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.
![Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng). Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51482445/703382cfb18158df0190.jpg)
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng). Ảnh: QH
Tuy nhiên, các nội dung ở các điều 18, 21, 24 trong dự thảo luật chưa thể giải quyết được một cách căn bản tồn tại bất cập này. Khi siết lại kỷ luật hành chính thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì sai phạm giữa thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng khá phổ biến.
Hệ thống các cơ quan chính quyền ở địa phương rà soát thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, dẫn đến mọi việc lớn nhỏ đều phải đưa ra tập thể UBND họp bàn thảo luận và biểu quyết. Thậm chí, các báo cáo thống kê định kỳ, chuyên đề chỉ có tính chất cung cấp thông tin giữa quản lý Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương cũng phải lấy ý kiến thông qua biểu quyết tập thể cho các văn bản pháp luật đang giao thẩm quyền chung của UBND.
Về nội dung cụ thể thì chỉ trong phạm vi một hoặc vài ngành lĩnh vực nên hầu hết thành viên phải chịu trách nhiệm biểu quyết, trong khi đó một số nội dung nằm ngoài khả năng chuyên môn của họ.
Về hình thức hoạt động, đại biểu chỉ ra rõ ràng đây là sự bất cập làm ách tắc, trì trệ công việc rất nhiều, lãng phí thời gian, nguồn lực và cơ hội.
![Đại biểu đã nhất trí cao cần phải ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51482445/1f62e99edad0338e6ac1.jpg)
Đại biểu đã nhất trí cao cần phải ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: QH
Để xử lý điểm nghẽn này, đại biểu Minh đề xuất Quốc hội xem xét trao quyền cho chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa, đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu UBND. Theo đó, tại các điều 18, 21, 24 về quyền hạn, trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp cần được bổ sung theo hướng tăng trách nhiệm, quyền hạn để chủ tịch UBND các cấp được quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp mình. Trừ các vấn đề mà UBND thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, trừ các vấn đề phải thông qua cơ quan quyền lực Nhà nước cùng cấp và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn nữa cơ chế giám sát, giải trình trách nhiệm thông qua chế độ báo cáo tại phiên họp gần nhất của HĐND, UBND và báo cáo cơ quan hành chính cấp trên có thẩm quyền quản lý khi được yêu cầu.
“Khi được trang bị thực chất như vậy thì hoạt động quản lý Nhà nước của UBND các cấp được xử lý nhanh chóng, kịp thời, theo kịp thực tiễn và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội”, ông Minh.