Cần phát huy hiệu quả các tổ khuyến nông cộng đồng

Để tăng cường năng lực thực hiện công tác khuyến nông ở cơ sở, việc củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông, trong đó thành lập tổ khuyến nông cộng đồng vô cùng cần thiết. Điện Biên là tỉnh thuộc trong giai đoạn 2 của Đề án Khuyến nông cộng đồng, nhưng sau 2 năm (2023 - 2024) triển khai, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lò Văn Sâm, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm truyền thông mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả tổ chức tại tỉnh Điện Biên.

Ông Lò Văn Sâm, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm truyền thông mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả tổ chức tại tỉnh Điện Biên.

Thành lập năm 2023, Tổ khuyến nông cộng đồng xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ có 7 thành viên đều là phó các tổ chức, đoàn thể xã tham gia. Dù còn gặp nhiều khó khăn, song các thành viên trong tổ đã phối hợp với UBND xã, HTX tích cực triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn. Trong 2 năm qua, Tổ khuyến nông cộng đồng xã đã phối hợp thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật 2 mô hình về trồng, chăm sóc ổi Ruby tại 2 bản: Bó, Sáng và nuôi trồng thủy sản ở 2 bản: Đông Mệt và Xôm. Đến nay, cả 2 mô hình đều duy trì và phát triển khá tốt.

Với những đóng góp cho địa phương trong phát triển sản xuất, ông Lò Văn Sâm, cán bộ khuyến nông kiêm Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Pá Khoang chia sẻ: “Thời gian qua, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng xã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là không có kinh phí thực hiện các mô hình thực tế cho người dân nên bà con chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết mà chưa được thực hành. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn các thành viên trong tổ sẽ được hưởng các chế độ của Nhà nước trong khi tham gia tổ khuyến nông cộng đồng. Cấp trên cũng quan tâm cấp kinh phí để tổ thực hiện các mô hình điểm. Như vậy, tổ không chỉ phối hợp với các đơn vị để chuyển giao khoa học - kỹ thuật mà có thể trực tiếp thực hiện các mô hình hướng dẫn bà con thực hành sẽ mang lại hiệu quả hơn…”.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Quỹ Thiện Tâm, các HTX được hỗ trợ bò giống, máy nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Quỹ Thiện Tâm, các HTX được hỗ trợ bò giống, máy nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, Tổ khuyến nông cộng đồng xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ trong công tác phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đến với người dân. Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Tổ khuyến nông cộng đồng xã cũng đề ra các giải pháp cụ thể. Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông kiêm Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Thanh Xương, nhấn mạnh: “Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong tổ tập trung tham gia vào tập huấn quy trình trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho bà con; còn lại việc thực hiện các mô hình không có kinh phí nên rất hạn chế. Các thành viên còn là cán bộ kiêm nhiệm, công việc bận rộn nên khó phát huy hiệu quả. Bởi vậy, để nâng cao vai trò của Tổ khuyến nông cộng đồng, cần có sự tham gia của các thành viên từ cơ sở như: Trưởng thôn, bản để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện. Mặt khác, đội ngũ ấy đang được hưởng phụ cấp, họ sẽ trách nhiệm hơn, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông sẽ dễ dàng hơn”.

Thực tế hiện nay, các Tổ khuyến nông cộng đồng đều mới thành lập nên hoạt động còn bị động, lúng túng, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, chưa có kinh phí và thiếu trang thiết bị, dụng cụ cũng như địa điểm làm việc. Các thành viên trong tổ đều kiêm nhiệm, chưa đảm bảo đa ngành theo yêu cầu; hạn chế kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số...

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với diện tích tự nhiên 953.992,6ha, trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm 92,61%. Điều kiện địa hình, thổ nhưỡng đa dạng, nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn là những điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, tỉnh xác định, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, trong đó công tác khuyến nông đóng vai trò rất lớn trong việc chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Để phát triển công tác khuyến nông, cần củng cố hệ thống khuyến nông, thành lập tổ khuyến nông cộng đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tổ chức hướng dẫn thành lập 115 tổ khuyến nông cộng đồng trên 115 xã, với trên 1.017 thành viên tham gia. Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng là đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, kinh tế tại địa phương, cán bộ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương... Dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, công khai và minh bạch, cùng với việc tuân thủ các quy định của pháp luật và địa phương, các tổ khuyến nông cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng; phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, các tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình, như: Hỗ trợ và tư vấn cho nông dân, hợp tác xã trong lĩnh vực khuyến nông; thúc đẩy sự phát triển của các HTX. Vậy nên, để tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp của các tổ khuyến nông cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và quan tâm hơn đến đội ngũ này để họ tích cực hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị, tư vấn và hướng dẫn chuyển đổi số trong nông nghiệp, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/can-phat-huy-hieu-qua-cac-to-khuyen-nong-cong-dong
Zalo