Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường
Đại biểu cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thể giảm người sử dụng nhưng chưa hẳn giảm được tỷ lệ thừa cân béo phì.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chiều 27/11 ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như nước giải khát có đường, rượu bia, thuốc lá.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Đại biểu cho rằng, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) đồng ý với việc bổ sung các mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu áp thuế cao, có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) phân tích với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối, cộng thêm áp dụng cả hai phương án do Chính phủ trình là 10.000 đồng một bao. Như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở Phương án 1 và hơn 100% ở Phương án 2. Đại biểu Kim Anh cho rằng việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế.
"Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động", nữ đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre)nhận định rằng cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đại biểu lấy dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đã giảm mặc dù chưa cần phải áp dụng thuế…
Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Ấn Độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 15 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, còn 7 đại biểu chưa phát biểu, đề nghị gửi ý kiến để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp.