Cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình với một số loại tội danh
Thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tại Tổ 2 đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với 4 loại tội gồm: tham ô; nhận hối lộ; vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh...
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh phiên họp
Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.
Thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất bỏ 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Góp ý về đề xuất bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang không đồng tình với việc bỏ cả 8 tội danh. Theo đó, đại biểu đề nghị cân nhắc với các tội danh: tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang
Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh số vụ án ma túy ngày càng gia tăng hiện nay, việc bỏ loại tội này có thể dẫn tới khả năng Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển chất ma túy. Về tội danh tham ô, nhận hối lộ, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm tham nhũng.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, tội phạm tham ô không chỉ xảy ra ở lĩnh vực công mà còn ở cả lĩnh vực tư, như vụ án Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình. Việc duy trì hình phạt tử hình có tác dụng răn đe, giúp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Nếu bỏ hình phạt này, hiệu quả thu hồi tài sản có thể bị giảm sút.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, logic thông thường là nếu tình hình quản lý và thực tế của các tội danh tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả được cải thiện thì có thể giảm án. Ngược lại, nếu tình hình diễn biến của việc phòng chống các loại tội phạm trên căng thẳng, nguy cơ cao và luật hiện hành không đủ sức răn đe, thì cần tăng mức xử phạt. Do đó, Ban soạn thảo dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần cân nhắc xem xét một cách kỹ lưỡng có nên bỏ án tử hình đối với những tội phạm trên hay không.
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, khi sửa luật cần đảm bảo tuổi thọ của các luật, hạn chế việc sửa luật rồi nhưng vài ba năm sau lại sửa tiếp cho nên cần cân nhắc thận trọng. Đồng tình với việc giảm án tử hình cho một số tội danh nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải xem xét từng loại tội phạm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bởi đây là hình phạt chỉ có tác dụng trừng trị mà không có ý nghĩa cải tạo, giáo dục người phạm tội.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị xem xét lại các tội liên quan đến thực phẩm. Mức án cao nhất hiện tại chỉ là chung thân, nhưng lại yêu cầu chứng minh thiệt hại nên việc này rất khó khăn. Thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng và sữa giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già, trẻ em và những đối tượng yếu thế. Do đó, cần xem xét lại cách sắp xếp các tội danh và thậm chí cần thêm án tử hình cho những tội như vậy để tăng tính răn đe.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, mức án cao không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng nó là một phần quan trọng để cải thiện tình hình và cho người dân thấy sự quyết liệt của Chính phủ đối với các loại tội phạm gây hại cho đất nước, con người.
Trong khuôn khổ phiên họp, các ĐBQH còn cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Các ĐBQH cũng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đa số các ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật để phù hợp với các chủ trương, quan điểm cụ thể của cấp có thẩm quyền; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Các quy định phải được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Hà Phước Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên họp

Các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Dương Ngọc Hải

Đại biểu Lê Thanh Phong nêu quan điểm tại phiên họp.