Cân nhắc tăng mức hỗ trợ đối với bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên

Thành viên cơ quan thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cho rằng, không nên chuyển đối tượng học sinh, sinh viên về đóng bảo hiểm y tế tại gia đình. Tuy nhiên có thể cân nhắc tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với bảo hiểm của học sinh, sinh viên để giảm gánh nặng cho gia đình và cân đối Quỹ bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp

Ngày 18-10, tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Đây là các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành; có tính cấp bách, đã đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo đã bổ sung chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được sửa đổi để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Một nội dung sửa đổi khác cũng nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ như bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh; điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế…

Dự thảo cũng đã làm rõ cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm (theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới) nhưng vẫn thiếu thuốc để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả.

Các ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận định, dự thảo luật cơ bản bám sát các nội dung Chính phủ trình trong đề xuất trước đây, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án luật đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cần tiếp tục bổ sung thêm các thông tin, dữ liệu để tăng sức thuyết phục, tạo cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với một số vấn đề cụ thể, các ý kiến cho rằng, không nên chuyển đối tượng học sinh, sinh viên về đóng bảo hiểm y tế tại gia đình nhằm tránh gây xáo trộn đối tượng tham gia, bảo đảm lực lượng này tham gia bảo hiểm một cách tập trung. Tuy nhiên có thể cân nhắc tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với bảo hiểm của học sinh, sinh viên để giảm gánh nặng cho gia đình và cân đối Quỹ bảo hiểm.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-nhac-tang-muc-ho-tro-doi-voi-bao-hiem-y-te-cua-hoc-sinh-sinh-vien-post764244.html
Zalo