Cân nhắc chọn mô hình phù hợp (bài 2)
Thực tế hình thái khu thương mại tự do (TMTD) đã xuất hiện từ cách nay gần 90 năm (khu kinh tế tự do đầu tiên trên thế giới được thành lập tại New York năm 1937 khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Khu TMTD 3 năm trước đó - PV) và phát triển rất nhanh trong nửa thế kỷ qua.
Theo thống kê của tổ chức UNVTAD, năm 1996, thế giới có 500 khu TMTD, đến 2006 là 3.500 khu, 2018 là 5.400 khu và đến 2023, toàn cầu có khoảng 7.000 khu TMTD, đa số tập trung tại các quốc gia đang phát triển ở khắp các châu lục, trong đó số lượng tại châu Á là nhiều nhất.
Nếu đặc khu kinh tế từng được ví như "chiếc đũa thần" giúp nhiều vùng đất nghèo khó, ít tiềm năng trước đây như Dubai, Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc),… làm nên hành trình phát triển thần kỳ thì khu TMTD được xem là hình thái kinh tế mở, hiện đại, đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Trông người để… tìm lối cho ta
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, để lựa chọn các khu TMTD quốc tế phù hợp nhất phục vụ nghiên cứu đối chuẩn cho Khu TMTD Đà Nẵng, hơn 30 khu TMTD trên toàn cầu đã được đánh giá dựa trên 2 tiêu chí chính, gồm "Mức độ đa dạng" (của các ngành trong khu từ chế biến, chế tạo, logistics và thương mại đến du lịch, tài chính và công nghệ) và "Mức độ phát triển của Khu TMTD" (độ phức tạp của cơ sở hạ tầng, bất động sản, quy định, ưu đãi, thị trường lao động, chất lượng cuộc sống, thế mạnh của hệ sinh thái và phát triển bền vững).
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết thêm, trước sự phong phú của các khu TMTD toàn cầu, đã có 6 khu TMTD được lựa chọn để đối chuẩn và đúc kết bài học kinh nghiệm cho Khu TMTD Đà Nẵng, gồm các khu TMTD Thượng Hải, Hải Nam, Incheon, Jebel Ali, Batam Indonesia và Bayan Lepas. Và căn cứ mức độ tương đồng gắn với định hướng phát triển Khu TMTD Đà Nẵng (về sơ đồ quản lý, mô hình vận hành và ngành nghề tập trung) cũng như các lợi thế đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ về thương mại - dịch vụ - lĩnh vực mũi nhọn của Khu TMTD Đà Nẵng khi hình thành, bao gồm cả sự đa dạng tài nguyên du lịch tương tự, nhóm chuyên gia đã thống nhất chọn, nghiên cứu chi tiết Khu TMTD Thượng Hải và Khu TMTD Hải Nam.
Được thành lập năm 2013, Khu TMTD Thượng Hải có diện tích 24.020ha, là một trong những khu TMTD tiên phong của Trung Quốc, mang sứ mệnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chức năng của Chính phủ, tích cực khai thác sáng kiến trong các phương thức quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong kỷ nguyên mới của Trung Quốc…
Tính đến nay, khu TMTD này đã thu hút hơn 84.000 doanh nghiệp và đóng góp khoảng 30% vào tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thượng Hải. Nhờ vào những chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng hiện đại, Khu TMTD Thượng Hải trở thành động lực thúc đẩy Thượng Hải phát triển thành trung tâm kinh tế và thương mại quốc tế.
Một trong những yếu tố thành công của khu TMTD này là việc áp dụng mô hình phức hợp để phát triển, gồm nhiều khu chức năng ở những vị trí có thể cách xa nhau thay vì là một khu vực tập trung. Mô hình này cho phép Thượng Hải khai thác tối đa những cơ sở hạ tầng sẵn có để lên phương án quy hoạch khu chức năng với những ngành tập trung phù hợp. Các cụm Logistics nằm ở gần cảng hoặc sân bay. Khu sản xuất tích hợp với Logistics ở gần cảng biển hoặc sân bay, tập trung vào sản xuất tàu biển và máy bay. Khu sản xuất tập trung công nghệ cao và khu dịch vụ hiện đại nằm ở gần trung tâm thành phố với cơ sở hạ tầng phát triển và có mức sống cao.
Với Khu TMTD Hải Nam, được thành lập từ năm 1988, đến năm 2020 đã phát triển thành cảng TMTD đầu tiên của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đưa Hải Nam sánh vai với các cảng TMTD hàng đầu thế giới. Các ngành trọng điểm của Khu TMTD Hải Nam gồm du lịch (bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, du lịch sinh thái), dịch vụ hiện đại (logistics và phân phối, thương mại và kinh doanh, tài chính), chế biến, sản xuất công nghệ cao (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, phương tiện sử dụng năng lượng mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ khai thác biển sâu,..). Sự thành công của Khu TMTD Hải Nam được thể hiện qua nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên và hạ tầng hiện đại.
Dựa trên những yếu tố thành công của Khu TMTD Hải Nam, nhóm chuyên gia nghiên cứu, xây dựng đề án cho rằng Khu TMTD Đà Nẵng có thể có những bài học kinh nghiệm trong việc kết hợp tài nguyên thiên nhiên (bờ biển, di sản UNESCO) với cơ sở hạ tầng nâng cấp để xây dựng một điểm đến hấp dẫn cho cả du lịch và các ngành giá trị cao như công nghệ thông tin và logistics; áp dụng các ưu đãi dành riêng cho từng ngành để tạo khác biệt so với các khu vực khác tại Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài quy mô lớn hơn; quản trị được phân cấp mạnh theo hướng quy định vai trò rõ ràng giữa chính quyền địa phương và trung ương để quản lý hiệu quả khu TMTD.
Với mô hình Khu TMTD Thượng Hải, Khu TMTD Đà Nẵng có thể áp dụng bài học kinh nghiệm về quản trị (một cơ quan quản lý giám sát chung, đồng thời mỗi khu chức năng có ban quản lý riêng, đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với các mục tiêu chung của khu TMTD); cơ chế ưu đãi (sử dụng chương trình thí điểm để thu hút các ngành công nghiệp và nguồn đầu tư, hướng đến cung cấp các ưu đãi hấp dẫn, cụ thể và tùy chỉnh…); khu chức năng (phát huy tối đa sự phát triển của ngành, tạo nên hệ sinh thái liên ngành nghề hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thiện chuỗi giá trị);….
Đại diện nhóm xây dựng dự thảo đề án, PGS.TS Bùi Quang Bình (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) cho biết, trên cơ sở nhiều mô hình thành công của các khu TMTD ở các nước, Đà Nẵng đề xuất mô hình khu TMTD phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông "khu trong khu", lấy thu hút phát triển bên ngoài lãnh thổ để cộng hưởng thu hút các hoạt động bên trong lãnh thổ.
"Chúng tôi kỳ vọng Khu TMTD Đà Nẵng sẽ có mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên; là trung tâm sản xuất, logistics, thương mại, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao gắn với cảng biển Liên Chiểu", một chuyên gia trong nhóm xây dựng đề án bộc bạch thêm.
![Các vị trí mà TP Đà Nẵng đề xuất dành cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_5_51408158/b505ce15f15b1805414a.jpg)
Các vị trí mà TP Đà Nẵng đề xuất dành cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Phát huy tính ưu việt "Một cửa"
Về mô hình vận hành, theo ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Khu TMTD Đà Nẵng có thể được thí điểm tổ chức theo hai loại hình địa bàn hoạt động, gồm địa bàn phi thuế quan và địa bàn thuế quan.
Địa bàn hoạt động phi thuế quan là khu vực được xác định trong quy hoạch, bao gồm các khu chức năng sản xuất, logistics và bán hàng miễn thuế thuộc khu thương mại - dịch vụ. Các khu vực này được ngăn cách với phần còn lại của Khu TMTD Đà Nẳng bằng hệ thống cách ly an ninh để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa ra, vào.
Địa bàn hoạt động thuế quan là các khu vực còn lại của Khu TMTD Đà Nẵng, bao gồm các khu chức năng như siêu thị, cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ giải trí, và dịch vụ lưu trú, nhằm tạo ra hệ sinh thái, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho khu vực.
Dựa trên kết quả thí điểm, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung các loại hình khu chức năng khác.
"Mô hình "một cửa" trong các thủ tục hành chính là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian và giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Dù chưa có tiền lệ tại Việt Nam, mô hình này hứa hẹn sẽ mang lại sự thuận lợi và minh bạch trong quá trình đầu tư, kinh doanh và phát triển các dự án tại Khu TMTD", ông Vũ Quang Hùng bày tỏ quan điểm và thông tin, BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng sẽ thiết lập một đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ "một cửa". Tại đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể thực hiện tất cả các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính khác mà không cần qua nhiều cơ quan quản lý khác nhau, theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 136/2024/QH15.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Quang Hùng, Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu 2024 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ 15/1/2025. Theo đó, chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 36a Luật Đầu tư 2020 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 8 Điều 2 Luật số 57/2024/QH15) thì nhà đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày, và không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép trong các lĩnh vực xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng nhóm chuyên gia, để phát triển khu TMTD, Việt Nam cần có các bước đi cụ thể. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, thành lập, quản lý và cơ chế hoạt động của khu TMTD. Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về khu TMTD để nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng về lợi ích và cơ hội từ khu TMTD. Thứ ba, Việt Nam cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc phát triển khu TMTD như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, UAE (Dubai), Trung Quốc, Brazil, Singapore và Panama...
Cùng với đó, triển khai các dự án thí điểm khu TMTD tại một số địa phương có tiềm năng để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra toàn quốc cũng là một giải pháp quan trọng. Cuối cùng, cần mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp định TMTD và hiệp định đối tác kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu TMTD.