Cần ngăn chặn hành vi cản trở hoạt động của kiểm sát viên

Hành vi cản trở hoạt động nghiệp vụ của kiểm sát viên diễn ra ở nhiều giai đoạn khác nhau, bao gồm cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Việc bổ sung các quy định xử lý các hành vi này là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Chiều 19/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề xuất việc bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động nghiệp vụ của kiểm sát viên.

Theo đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên), quy định tố tụng hiện hành yêu cầu Viện Kiểm sát phải lập biên bản và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an hoặc tòa án nhân dân để xem xét xử phạt các hành vi cản trở hoạt động nghiệp vụ của kiểm sát viên. Đại biểu cho rằng việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp cho Viện Kiểm sát đối với các hành vi cản trở tố tụng là một giải pháp phù hợp và cần thiết. Ông nhấn mạnh hành vi cản trở kiểm sát viên diễn ra ở cả ba giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố và xét xử), gây bức xúc và ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật. Do đó, việc quy định rõ thẩm quyền này trong luật là một trong những yếu tố quan trọng để Viện Kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng đã có quy định về các trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, trong đó bao gồm cả các hành vi cản trở hoạt động tố tụng do Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên).

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên).

Theo đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh số 02 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, các văn bản này chưa quy định thẩm quyền xử phạt hành chính trực tiếp của Viện Kiểm sát nhân dân. Do đó, đại biểu Lê Tất Hiếu nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng cho Viện Kiểm sát nhân dân để đảm bảo tính đồng bộ với các bộ luật khác và tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc).

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc).

Số lượng 27 kiểm sát viên nhân dân tối cao là quá khiêm tốn

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH Thành phố Huế) chỉ ra những con số đáng lưu ý. Hiện ba tòa án nhân dân cấp cao đang phải giải quyết khoảng 800 vụ án giám đốc thẩm và tái thẩm. Cộng số lượng trung bình hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao phải xử lý là 200 vụ, tổng số vụ án mà Tòa án nhân dân tối cao sẽ phải xét xử có thể lên đến 1.000 vụ mỗi năm. Nếu loại trừ các ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ Nhật, trung bình mỗi ngày, tòa án cấp cao sẽ phải xét xử khoảng bốn vụ án. Bên cạnh đó, ba tòa án cấp cao còn phải xử lý trung bình 22.000 đơn giám đốc thẩm và tái thẩm mỗi năm.

Theo đó, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, khi bỏ ba tòa cấp cao, lực lượng nào sẽ đảm nhiệm việc giải quyết các loại đơn này? Để xử lý hiệu quả, đòi hỏi phải là những người có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn cao và tinh thần trách nhiệm. Do đó, “con số 27 kiểm sát viên được đề xuất có vẻ là một số lượng khiêm tốn, nếu nhìn lại tình trạng tồn đọng hàng trăm đơn giám đốc thẩm và tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trước khi sửa luật năm 2015”, đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH Thành phố Huế).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH Thành phố Huế).

Giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu câu hỏi tại sao trong lúc tinh giản lại đề nghị tăng số lượng kiểm sát viên tối cao. Theo ông, tinh giản là chủ trương đúng, nhưng có chỗ phải tăng, có chỗ phải giảm. Dẫn chứng số vụ việc mà cơ quan kiểm sát tối cao phải trả lời đơn lên đến hơn hai chục ngàn, nếu không tăng số lượng kiểm sát viên tối cao sẽ không đảm bảo tỷ lệ giải quyết đơn Quốc hội giao. Về thẩm quyền của kiểm sát viên cấp khu vực, cơ quan công tố tối cao cũng đang xem xét quy định sao cho phù hợp.

“Tòa xét xử án đến 20 năm. Chúng tôi quan điểm tới đây sẽ giao cho kiểm sát khu vực thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử những vụ án hình sự tới 20 năm. Nhưng với hoạt động điều tra, việc trao cho kiểm sát khu vực việc kiểm sát điều tra đến mức độ nào. Có thể điều tra công an cấp xã tới 7 năm tù thì chúng tôi sẽ giao cho kiểm sát khu vực. Còn xét xử cần chúng tôi sẽ điều hành ở tỉnh về, thậm chí cấp tối cao về xét xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án khó” - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến.

Trước đó, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Tờ trình số 07-TTr/ĐU ngày 24/3/2025 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tờ trình số 09-TTr/ĐU ngày 28/3/2025 báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nội dung đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện; trong đó, tại Mục III (Nhiệm vụ, giải pháp) của đề án đã nêu rõ giải pháp về tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao như sau: “Tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tương ứng với số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tăng lên theo đề án của Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao (từ 19 người lên 27 người) nhằm bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-ngan-chan-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-cua-kiem-sat-vien-331771.htm
Zalo