Cần 'luồng gió mới' cho phim truyền hình Việt Nam

Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một 'luồng gió mới' để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

“Quá tải” phim về đề tài gia đình

Phải nói rằng thế mạnh của phim truyền hình Việt Nam là dòng phim gia đình. Khoảng những năm 2019 - 2022, không ít bộ phim truyền hình lấy đề tài gia đình được công chúng dành sự quan tâm, chú ý đặc biệt. Lấy ví dụ như bộ phim “Về nhà đi con”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Nàng dâu Order” đã đưa tên tuổi hàng loạt diễn viên lên hàng tốp và được khán giả “nhớ mặt, đặt tên”. Mỗi bộ phim là mỗi câu chuyện ứng xử, đối đãi với nhau trong gia đình. Khi xem phim xong ai cũng thấy bóng dáng mình dù chỉ là một phần nhỏ trong đó. Những mối quan hệ con dâu - mẹ chồng, cha - con, anh chị em trong nhà được khai thác một cách chân thực, gần gũi với thực tế phù hợp với thị hiếu khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Ngoài ra, giai đoạn 4 - 5 năm trước đây, dòng phim tâm lý gia đình với những tình tiết kịch tính (drama) cũng được dòng phim truyền hình khai thác thành công. Lấy ví dụ như các bộ phim: “Hoa hồng trên ngực trái”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Hương vị tình thân”,...

Tuy nhiên, hiện nay, phim truyền hình Việt Nam đang trở nên “quá tải” các bộ phim lấy đề tài gia đình. Năm 2024, hàng loạt bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim”, “Chúng ta của 8 năm sau”, “Dưới bóng cây hạnh phúc” chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Phim truyền hình Việt Nam có chủ đề về gia đình đã trở nên rất đỗi quen thuộc với khán giả Việt Nam. (Ảnh minh họa: Sống trẻ)

Phim truyền hình Việt Nam có chủ đề về gia đình đã trở nên rất đỗi quen thuộc với khán giả Việt Nam. (Ảnh minh họa: Sống trẻ)

Một số bộ phim như “Chúng ta của 8 năm sau”, “Dưới bóng cây hạnh phúc” được một số khán giả nhận xét có mô típ đi theo lối mòn, không có sự đổi mới, bứt phá về nội dung tình tiết. Còn đối với bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim”, chiếu trên “khung giờ vàng” mỗi tối, vốn được nhiều khán giả kỳ vọng là một bộ phim “chữa lành” nhẹ nhàng vào dịp cuối năm, lại bị đánh giá là hơi sa đà vào các tình tiết báo thù, “drama” kịch tính, quên đi tính logic trong mạch phim, cốt truyện.

Khai thác đa dạng đề tài phim truyền hình

Phim truyền hình ở Việt Nam vốn là một “mảnh đất” màu mỡ để khai thác. Từ xưa đến nay, người Việt Nam đã dành thói quen, tình yêu cho các bộ phim chiếu vào khung giờ buổi tối. Việc quan trọng đó là nhà sản xuất phải liên tục đổi mới, đa dạng các đề tài phim để phù hợp với thị hiếu của người xem. Đặc biệt, hiện nay, phim truyền hình Việt Nam hướng đến giới trẻ, những người có khả năng tiếp cận với nhiều luồng thông tin, nhiều thể loại phim ảnh khác nhau trên thế giới thông qua mạng Internet.

Thực tế, phim truyền hình Việt Nam cũng đã từng thành công ở rất nhiều mảng khác nhau. Lấy ví dụ thể loại phim tâm lý - xã hội từng có “Quỳnh búp bê” tạo tiếng vang vào năm 2018 với hai phần phim được khán giả liên tục mong chờ đón xem. Hay những bộ phim lấy đề tài cảnh sát hình sự vốn đã có “thâm niên” trên màn ảnh nhỏ như “Người phán xử” phát sóng năm 2017 vẫn là một cái tên được nhiều người yêu phim Việt nhắc đến. Đây là những bộ phim có tình tiết chặt chẽ, hợp lý và độ kịch tính cao, mạch phim được đẩy lên theo mỗi tập khiến người xem hồi hộp đón chờ mỗi ngày.

Ngoài ra, có không ít bộ phim tình cảm nhẹ nhàng từng thành công trên “khung giờ vàng” chiếu phim truyền hình, đưa tên tuổi các diễn viên trẻ đến gần hơn với công chúng. Có thể kể tới như phim “11 tháng 5 ngày”, “Gara hạnh phúc”, “Đừng làm mẹ cáu”. Đây là những phim tập trung khai thác các đề tài bình thường, giản dị, gần gũi trong cuộc sống của người trẻ.

Năm 2024, một số bộ phim nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả như “Đi giữa trời rực rỡ” khai thác cuộc sống của cặp đôi Pu - Chải, những cô gái, chàng trai người dân tộc Dao. Hay bộ phim “Độc đạo” với nội dung gay cấn, xoay quanh hành trình phá án và những mối quan hệ đầy phức tạp của các nhân vật trong phim. Một bộ phim khác được yêu thích là “Đi về phía lửa” tái hiện chân thực cuộc sống của những người lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn - những con người thầm lặng nhưng quả cảm, luôn đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng.

Điều đó cho thấy sự chuyển dịch về thị hiếu của khán giả. Vì thế, những bộ phim truyền hình giờ đây cần phải đa dạng các đề tài, khai thác nhiều vấn đề cuộc sống hơn nữa. Đặc biệt, hiện nay những “drama” đánh ghen, phản bội,... trở nên quá nặng nề, nhàm chán với một bộ phận khán giả. Chúng ta cần có những bộ phim lấy đề tài ý nghĩa hơn khi khai thác số phận, cuộc đời của nhiều con người, nghề nghiệp khác nhau trong cuộc sống này.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-luong-gio-moi-cho-phim-truyen-hinh-viet-nam-post536077.html
Zalo