Cần lập kênh thông tin đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp
Bày tỏ nhất trí cao với các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để triển khai hiệu quả các kết luận của Hội nghị Trung ương 12, trong đó có việc 'tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền 2 cấp', Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) TÔ HOÀI NAM đề xuất, để chính quyền mới hoạt động hiệu quả, cần thiết lập kênh thông tin đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp.
Xác định rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo
- Thưa ông, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng đảng thành Báo cáo chính trị để trình Đại hội XIV của Đảng. Ý kiến của ông thế nào về quan điểm đột phá này?

- Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, đây chính là bước đột phá về mặt tư duy, giúp cho việc xây dựng một báo cáo trung tâm theo trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ. Ưu điểm của phương án này là vừa gọn, vừa tập trung, tránh trùng lặp. Ý nghĩa lớn hơn nữa là khẳng định sự gắn kết giữa công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho Đại hội XIV nhìn nhận một bức tranh toàn diện, đầy đủ về chiến lược, thực tiễn cũng như có định hướng dài hạn rõ ràng. Điều này cũng cho thấy, công tác xây dựng Đảng chính là nền tảng, động lực và là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh, quốc phòng.
Tựu trung, khi tích hợp 3 văn kiện vào với nhau giúp Báo cáo chính trị gọn hơn, các giải pháp, mục tiêu vì thế cũng trở nên đồng bộ hơn, hướng tới tầm nhìn chiến lược bền vững, dài hạn, gắn chặt với thực tiễn cũng như xu thế phát triển của thời đại.
- Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải bảo đảm 6 định hướng, trong đó có việc “nhấn mạnh các động lực phát triển mới, bao gồm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và khai thác hiệu quả lợi thế của hội nhập quốc tế sâu rộng”. Vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong đợi điều gì từ Báo cáo chính trị đối với nội dung này?
- Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ phát triển như vũ bão, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực phát triển mới, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, chúng tôi rất vui mừng khi Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị phải nhấn mạnh được nội dung này.
Điều chúng tôi rất mong đợi là Báo cáo chính trị sẽ xác định rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo với nguồn lực thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương. Phải làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, đồng thời giảm thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ dự báo.
“Tại Hội nghị, Trung ương thống nhất nhận định: “việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhìn chung dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới”.
Chúng tôi rất tâm đắc và tán thành định hướng này. Các doanh nghiệp rất mong muốn thấy được đội ngũ lãnh đạo thực sự hiểu về cơ chế thị trường, về các xu thế phát triển trên toàn cầu để ban hành chính sách thiết thực, sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tổng Thư ký VINASME
Tô Hoài Nam
Mong đẩy mạnh công nghệ số trong dịch vụ công
- Một trong 6 yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm để triển khai hiệu quả các kết luận của Hội nghị Trung ương 12 là các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị “cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi pháp luật theo hướng thúc đẩy đổi mới, phát triển, tháo gỡ các rào cản, bảo đảm lợi ích người dân, doanh nghiệp”. Ông trông đợi điều gì từ công tác này?
- Trong kinh doanh, hành lang pháp lý, pháp luật là rất quan trọng, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật chắc chắn, nhất quán. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong việc rà soát pháp luật cần được triển khai quyết liệt hơn, với kết quả cụ thể và nhanh chóng hơn nữa, phải loại bỏ được những quy định chồng chéo, rườm rà, nhất là thủ tục liên quan đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, xây dựng.
Muốn tinh gọn thủ tục hành chính đòi hỏi phải gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ công để giảm chi phí tuân thủ. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; giúp cho các doanh nghiệp, nhất là quy mô nhỏ và vừa, có thêm cơ sở để tiếp cận với các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, các chương trình hỗ trợ vốn. Đồng thời, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp khi có những tình huống pháp lý đem lại rủi ro cho họ, hoặc các rào cản vô lý từ phía cơ quan quản lý nếu có.
- Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền 2 cấp, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tinh thần phục vụ, hiệu lực quản trị công. Ông đề xuất gì trong thực hiện công tác này?
- Việc thực hiện chính quyền 2 cấp đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, thủ tục. Song để chính quyền mới phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn thì cần phải được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ. Cần đẩy mạnh Chính phủ số, chính quyền số, có các dữ liệu mở để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước - điều này sẽ tạo sự minh bạch và giảm thời gian, thủ tục, tránh được sự nhũng nhiễu, phiền hà không đáng có.
Cán bộ, công chức cần phải đổi mới về tư duy; đó là có tư duy phục vụ thay vì tư duy quản lý; coi người dân, doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển chứ không phải là đối tượng để quản lý.
Đặc biệt, để chính quyền 2 cấp phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, rất cần thiết lập kênh thông tin đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vốn rất yếu thế trong phản ánh, phân tích chính sách, phản ánh các khó khăn từ thực tiễn. Trong các văn bản gửi tới Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, VINASME đều rất coi trọng kênh này. Đây không chỉ là kênh đối thoại thường xuyên để giải tỏa vướng mắc về mặt tâm lý cho doanh nghiệp, mà còn giúp cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo đúng định hướng Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
- Xin cảm ơn ông!