Cao Bằng: Trồng thạch đen để giảm nghèo

Hiện nay, nhiều địa phương ở tỉnh Cao Bằng gọi thạch đen là loại cây 'giảm nghèo', nên người dân đã tập trung mở rộng diện tích phát triển loại cây trồng này để vươn lên thoát nghèo.

 Thạch đen được gọi là "cây giảm nghèo" ở Cao Bằng

Thạch đen được gọi là "cây giảm nghèo" ở Cao Bằng

Với người dân Cao Bằng, cây thạch đen không chỉ bán để sản xuất thạch ở địa phương, mà còn là loại mặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài rất ổn định, nhờ đó, nghề trồng cây thạch đen được người dân ngày càng chú trọng phát triển nhân rộng diện tích ở nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng.

Chị Hoàng Thị Thuận, ở xã Đông Khê, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Từ vài năm nay gia đình tôi chuyển 100% diện tích sang trồng thạch đen, ưu điểm của cây này là dễ trồng, dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ cũng rất thuận lợi, sản xuất ra đến đâu có thương lái đến tận nhà thu mua đến đấy, không lo ế, nên người dân ở đây đều rất ưa thích canh tác loại cây này”.

Cho đến nay, trên địa bàn xã Đông Khê còn có khá nhiều hộ tiêu biểu trong phát triển trồng thạch đen như các gia đình ông Nông Văn Kim, ông Nông Văn Thao, xóm Vĩnh Quang, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ bán cây thạch đen.

Cao Bằng mở rộng diện tích trồng thạch đen để phát triển kinh tế hiệu quả

Cao Bằng mở rộng diện tích trồng thạch đen để phát triển kinh tế hiệu quả

Chị Nông Thu Hường, ở xã Đông Khê, cho biết: “So với các loại cây trồng khác, thạch đen có nhiều ưu việt hơn, chi phí trồng thấp, nhưng năng suất và thu nhập lại tốt hơn, nên canh tác thạch đen được người dân ví von là “cây giảm nghèo” ở địa phương là như vậy. Vài năm trở lại đây, thạch đen có giá khá cao, từ 45-50 nghìn đồng/kg, nên người dân có thu hoạch khá tốt từ việc trồng thạch đen, giúp các hộ gia đình phát triển vươn lên thoát nghèo rất tốt”.

Hiện nay, các địa phương có diện tích trồng thạch đen lớn nhất ở tỉnh Cao Bằng là xã Đông Khê; xã Canh Tân; xã Minh Khai; xã Kim Đồng; xã Kim Đồng; xã Đức Long…, mỗi năm, cây thạch đen mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng cho nông dân trong xã trên.

Kể từ khi cây thạch đen được trồng nhiều ở Cao Bằng, cũng thúc đẩy nghề sản xuất thạch đen thương phẩm phát triển mạnh hơn, với nhiều cơ sở ra đời trong vài năm trở lại đây, nhờ đó mà cho đến nay Cao Bằng có thêm sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP.

Chị Nông Thị Lệ Thùy, chủ cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy, ở xã Đông Khê, cho biết: Năm 2015, nhận thấy thạch đen được người tiêu dùng ưa chuộng, tôi bàn với gia đình xây dựng một cơ sở sản xuất thạch đen chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, tâm huyết đem món ăn đặc sản của địa phương vươn xa, phân phối tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Sản phẩm thạch đen thương phẩm của Cao Bằng khá nổi tiếng trên thị trường

Sản phẩm thạch đen thương phẩm của Cao Bằng khá nổi tiếng trên thị trường

Để sản xuất số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, tôi đầu tư máy móc hiện đại kết hợp với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Sản phẩm thạch đen Lê Thùy mặc dù không dùng chất bảo quản, không phẩm màu nhưng vẫn tạo được màu sắc, độ thơm ngon và dẻo dai. Năm 2020, thạch đen Lê Thùy đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Với chất lượng vượt trội, đến nay, sản phẩm có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm tới nhiều các khách hàng trên khắp cả nước. Năm 2022, cơ sở bán ra thị trường hơn 10 tấn thạch đen thành phẩm, doanh thu trên 100 triệu đồng. Sản phẩm thạch đen Lê Thùy hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để hỗ trợ cho người dân phát triển tốt nghề trồng thạch đen, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân, đặc biệt là hộ nghèo phát triển trồng cây thạch đen, nâng cao thu nhập. Qua đó, tạo động lực cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững trong các xã.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây thạch đen phát triển, cùng với những nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Cao Bằng, cây thạch đen ngày càng được phát triển mạnh cả về chất lượng, sản lượng cũng như giá trị, góp phần phát triển kinh tế cho bà con và địa phương vươn lên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Trường Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cao-bang-trong-thach-den-giam-ngheo-20250723145841294.htm
Zalo