Nhật, Philippines ký thỏa thuận thương mại với Mỹ: Tín hiệu lạc quan cho thị trường

Thị trường Mỹ và châu Á cho thấy dấu hiệu tích cực sau khi Nhật, Philippines đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Philippines và Nhật là hai quốc gia tiếp theo đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn 1-8 – ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố là hạn chót cho các cuộc đàm phán thuế đối ứng.

Thỏa thuận thương mại “tốt đẹp” với Philippines, “khổng lồ” với Nhật.

Sau cuộc gặp mà ông gọi là “rất tốt đẹp” của Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. tới Nhà Trắng, Tổng thống Trump ngày 22-7 đã công bố một thỏa thuận thương mại với Manila. Theo đó, hàng hóa Philippines nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế 19%, hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Philippines sẽ được miễn thuế hoàn toàn.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng ngày 22-7. Ảnh: YURI GRIPAS/ABACA/BLOOMBERG

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng ngày 22-7. Ảnh: YURI GRIPAS/ABACA/BLOOMBERG

“Đó là một chuyến thăm rất tốt đẹp và chúng tôi đã hoàn tất Thỏa thuận Thương mại, theo đó Philippines sẽ mở cửa thị trường với Mỹ và áp dụng mức thuế bằng 0. Philippines sẽ chịu mức thuế 19%” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Mức thuế 19% thấp mức hơn 20% mà ông Trump cảnh báo sẽ áp lên Philippines hồi đầu tháng, nhưng cao hơn mức 17% mà tổng thống Mỹ công bố vào tháng 4.

Bình luận về thỏa thuận thương mại với Mỹ, Đại sứ Philippines tại Washington - ông Jose Manuel Romualdez nói rằng đây là “một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi đang dần hoàn thiện và có thể tiếp tục cải thiện theo thời gian”, theo hãng tin Reuters.

Cũng trong ngày 22-7, ông Trump công bố một thỏa thuận thương mại với Nhật. “Chúng tôi vừa hoàn tất một Thỏa thuận khổng lồ với Nhật, có lẽ là Thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Theo thỏa thuận này, hàng hóa Nhật vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế 15%. Thỏa thuận cũng sẽ bao gồm 550 tỉ USD đầu tư của Nhật vào Mỹ.

Tổng thống Trump bổ sung rằng Mỹ “sẽ nhận được 90% lợi nhuận” nhưng ông không nêu rõ các khoản đầu tư sẽ được triển khai như thế nào hay lợi nhuận sẽ được tính ra sao. Hiện bản điều khoản chính thức chưa được công bố.

“Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm ngàn việc làm. Trước nay chưa từng có điều gì tương tự. Có lẽ quan trọng nhất là Nhật sẽ mở cửa thị trường cho thương mại, bao gồm ô tô, xe tải, gạo, một số sản phẩm nông nghiệp khác và nhiều mặt hàng khác” - ông Trump cho biết.

Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba sau đó nói rằng Tokyo sẽ xem xét kỹ lưỡng các chi tiết của thỏa thuận và sẽ trao đổi qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ nếu cần.

“Chúng tôi đã đàm phán cho đến phút chót, cố gắng hết sức để tìm được tiếng nói chung về ô tô, các sản phẩm khác và lợi ích quốc gia của hai bên” - ông Ishiba nói tại cuộc họp báo ngày 23-7.

“Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ giúp tạo thêm việc làm, sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn và thực hiện các vai trò khác nhau trên trường quốc tế thông qua sự hợp tác song phương giữa Nhật và Mỹ” - thủ tướng Nhật bổ sung.

Hàng hóa Nhật từng phải đối mặt mức thuế đối ứng lên tới 24% trước khi ông Trump ban hành lệnh tạm hoãn 90 ngày vào tháng 4. Từ đó đến nay, Nhật chịu mức thuế tối thiểu 10%.

Đầu tháng 7, ông Trump đã gửi thư cho ông Ishiba cảnh báo sẽ áp thuế mức 25% từ ngày 1-8.

Ngày 23-7, Mỹ và Indonesia đã công bố chi tiết thỏa thuận thương mại mà hai nước đạt được vào tuần trước. Indonesia đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% hàng hóa từ Mỹ và loại bỏ toàn bộ rào cản phi thuế quan đối với các doanh nghiệp Mỹ, trong khi đó, Mỹ sẽ hạ mức thuế dự kiến áp lên hàng hóa Indonesia từ 32% xuống còn 19%.

Thị trường khởi sắc

Tại Mỹ, sau khi ông Trump công bố thỏa thuận với Philippines, Chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng nhẹ lên mức cao kỷ lục mới. Chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 6.309,62 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 179 điểm, tương đương 0,4%, lên 44.502,44 điểm, theo tờ Wall Street Journal.

Giới đầu tư kỳ vọng các thỏa thuận thương mại với Philippines cũng như các chi tiết trong thỏa thuận với Indonesia mà ông Trump công bố sẽ mở đường cho thêm nhiều thỏa thuận mới.

Giới lãnh đạo Philippines cũng bày tỏ vui mừng sau khi Washington và Manila đạt được thỏa thuận.

“Tiếp cận được thị trường Mỹ là một bước ngoặt lớn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Philippines sẽ có cơ hội cạnh tranh toàn cầu. Nông dân, ngư dân và các nhà sản xuất trong nước sẽ có thêm cơ hội để gia tăng thu nhập và phát triển. Chúng ta đang đưa thế giới đến gần bờ biển của mình hơn, đồng thời mang tinh hoa Philippines vươn ra toàn cầu” - tờ Inquirer dẫn lời Hạ nghị sĩ Philippines, ông Ferdinand Martin Romualdez.

Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật được giới quan sát đón nhận như một tín hiệu vui sau nhiều tháng đàm phán khó khăn.

 Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông Ishiba thăm Mỹ hồi tháng 2. Ảnh: X

Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông Ishiba thăm Mỹ hồi tháng 2. Ảnh: X

Tháng trước, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật, ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One: “Họ rất cứng rắn. Người Nhật rất cứng rắn”.

Tuy nhiên, hôm 23-7, ông Trump cho biết thỏa thuận lần này đánh dấu “một thời điểm vô cùng phấn khởi đối với nước Mỹ, đặc biệt là vì chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tuyệt vời với Nhật”.

Cuối tháng trước, ông Trump từng nêu vấn đề gạo như một điểm gây tranh cãi giữa hai nước. “Họ không chịu mua gạo của chúng ta, trong khi đang thiếu gạo trầm trọng” - ông Trump viết trên Truth Social.

Thị trường chứng khoán Nhật tăng mạnh vào đầu giờ sáng 23-7, dẫn đầu đà tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi Mỹ và Nhật đạt được thỏa thuận thương mại.

Chỉ số Nikkei của Nhật tăng 2,7%. Nhóm cổ phiếu ô tô dẫn đầu đà tăng tại Nhật. Cổ phiếu Toyota Motor tăng 12%, Honda Motor tăng 8,6% và Nissan Motor tăng 8,8%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) Shinichi Uchida ngày 23-7 cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu kinh tế và lạm phát vẫn đi đúng hướng dự báo.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng vì nhiều người tin rằng Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhất là khi lo ngại về thương mại đã dịu xuống. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 9,5 điểm cơ bản, đạt 1,595%.

Một số thị trường khác trong khu vực cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi chỉ số S&P/ASX200 của Úc tăng 0,5% và chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6%.

Mỹ: Có thể gia hạn hòa hoãn thuế quan với Trung Quốc

Ngày 22-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng ông có khả năng sẽ thống nhất việc gia hạn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc khi ông gặp các quan chức Trung Quốc tại Thụy Điển vào tuần tới, theo đài CNBC.

Trước đó, vào giữa tháng 5, hai bên đã đồng ý tạm hoãn trong 90 ngày phần lớn các mức thuế cao đánh vào hàng hóa của nhau để tiếp tục đàm phán thương mại. Thời gian hoãn này dự kiến kết thúc vào ngày 12-8.

“Tôi nghĩ quan hệ thương mại với Trung Quốc đang ở trạng thái rất tích cực” - ông Bessent nhận định.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đề cập đến những lĩnh vực đồng thuận khác.

Mỹ cũng muốn thảo luận về “việc Trung Quốc mua dầu từ Nga và Iran, ông Bessent nói thêm.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đã chuyển sang một cấp độ mới trong quan hệ với Trung Quốc, mang tính xây dựng hơn, Giờ đây khi thương mại đã tạm ổn định ở một mức độ hợp lý, chúng ta có thể đạt được nhiều tiến triển hơn” - theo ông Bessent.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson sau đó cũng xác nhận rằng Thụy Điển là nơi tổ chức vòng đàm phán tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh, vào ngày 28 và 29-7.

“Việc hai nước lựa chọn gặp nhau tại Thụy Điển để tìm kiếm sự đồng thuận là một tín hiệu tích cực” - ông Kristersson viết trên mạng xã hội X.

Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhat-philippines-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-my-tin-hieu-lac-quan-cho-thi-truong-post861897.html
Zalo