Cần làm chủ công nghệ khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chiều 20/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường nhiều nội dung về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tập trung nguồn lực trong nước

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao Chính phủ và các thành viên đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế, đầu tư trí tuệ, tổ chức nhiều hội thảo để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này. Đồng thời, đại biểu đồng tình với những nội dung cơ bản trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu nêu rõ, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều quốc gia phát triển đưa vào sử dụng vài chục năm trước đây, mang lại phương tiện giao thông hiện đại, thuận lợi cho người dân, người lao động và khách du lịch, nhà đầu tư quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

“Tôi rất khao khát Việt Nam sớm có phương tiện hiện đại này” đại biểu mong muốn. Cách đây 15 năm, nội dung này đã được đưa ra nhưng khi đó đất nước ta chưa đủ điều kiện. Thời điểm hiện nay đã có nhiều điều kiện như kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp… khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, điều kiện đi lại của người dân được thuận tiện, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhà đầu tư và đặc biệt là sẽ khai thác được tất cả tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua.

Đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên cũng có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và sự an toàn. Do vậy, không vì chi phí hay nguồn thu mà thiếu tập trung yêu cầu này. Số tiền đầu tư cho dự án là rất lớn, hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67 tỷ USD), cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài và hạn chế sử dụng vốn ODA. Chi phí xây lắp khoảng 50%, đại biểu đề nghị cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu trong nước và huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thảo luận tại hội trường.

Đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận... Vấn đề tài sản công, đất công vẫn còn lãng phí nên cần đấu giá đất sớm để tận dụng nguồn thu. Vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn nhưng thiếu cơ chế để khai thác. Đại biểu tin tưởng, trong tương lai, các địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua có thể tự chủ được ngân sách và hi vọng các địa phương có thể điều tiết ngược lại Trung ương.

Công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho biết, nước ta có hình thể kéo dài, lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam rất lớn, nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa khai thác được là do nút thắt về chi phí logistics cao. Quy mô nền kinh tế đang đà tăng nhanh nên nhu cầu lưu thông hàng hóa trong thời gian tới rất lớn...

Tuy nhiên, đây là dự án rất lớn và ảnh hưởng nhiều lĩnh vực nên cần được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều. Đường sắt tốc độ cao phải đảm nhận chức năng lưỡng dụng, cả vận tải hành khách và hàng hóa. Bởi nếu không vận tải hàng hóa thì sẽ gây ra lãnh phí và không giải quyết nút thắt về logistics, không đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam và không liên vận được với đường sắt quốc tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường.

“Việc đầu tư dự án phải được thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển công nghiệp ngành đường sắt trong nước. Có chăng, chỉ mua trọn gói một số bộ phận rất đặc thù. Không nên chọn nhà cung cấp của nước nào mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp canh tranh, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho chúng ta”, đại biểu nhấn mạnh.

Nêu bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, đại biểu cho rằng, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài thì không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ Giao thông vận tải định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo hướng phổ quát.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ Giao thông vận tải định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo hướng phổ quát.

Đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ Giao thông vận tải định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo hướng phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam. Đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc chuyển giao công nghệ phù hợp với tiến độ dự án.

Nhật Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-lam-chu-cong-nghe-khi-thuc-hien-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-i750869/
Zalo