Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 16-1-2025, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Tại Chỉ thị số 42, Bộ Chính trị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc giáo dục, rèn luyện các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên. Cụ thể, công tác giáo dục liêm chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng; các giá trị liêm chính, tiết kiệm chưa được xã hội đề cao; chưa hình thành ý thức tự giác học tập, rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân; tham nhũng, tiêu cực tuy đã được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng…
Để rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Chỉ thị số 42 đặt ra yêu cầu gắn công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Chỉ thị cũng đề ra 4 chủ trương lớn cần được triển khai đồng bộ, gồm đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để “không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để “không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để “không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để “không cần tham nhũng, tiêu cực”.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang chuyển mình mạnh mẽ để chuẩn bị mọi điều kiện đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ với đầy đủ các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được xác định là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và muốn đất nước vững vàng tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc, Đảng phải không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của chính mình. Điều này đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, hết lòng vì nước, vì dân, tâm huyết, trách nhiệm, mẫn cán, tận tụy với công việc; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực; trung thực, ngay thẳng, công tâm, khách quan; nghiêm túc, gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, nghề nghiệp; trọng liêm sỉ, danh dự; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Khắc ghi lời dạy của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là “công bộc của nhân dân”, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”! Đặc biệt, với những quy định tại Chỉ thị số 42, mỗi cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nêu gương về học tập và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.