Cần hơn 14.000 tỷ đồng phát triển cảng biển Hà Tĩnh tới năm 2030

Ước tính đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ có 13 bến cảng với tổng số 36 - 44 cầu cảng, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển được kỳ vọng đạt từ 46,3 đến 83,5 triệu tấn/năm....

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung dự thảo, đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ có 13 bến cảng với tổng số 36 - 44 cầu cảng, chiều dài cầu cảng ước đạt từ 7.509 m đến 9.653 m. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển được kỳ vọng đạt từ 46,3 đến 83,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng container khoảng 0,1 - 0,14 triệu TEU.

Hệ thống cảng được quy hoạch gồm các khu bến chính: Vũng Áng, Sơn Dương, Xuân Hải, Xuân Phổ, Cửa Sót và Xuân Giang (trên sông Lam), kèm theo các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải và vùng neo trú bão.

Tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 vào khoảng 241 ha, diện tích mặt nước khoảng 29.536 ha. Theo ước tính, tổng vốn đầu tư cần huy động cho hệ thống cảng biển khoảng 14.007 tỷ đồng, trong đó xây dựng hạ tầng công cộng chiếm khoảng 1.727 tỷ đồng, còn lại 12.280 tỷ đồng dành cho việc xây dựng các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ.

Dự thảo quy hoạch cũng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, gồm phát triển bến cảng tại các khu bến Vũng Áng, Sơn Dương và nâng cấp hệ thống hạ tầng hàng hải công cộng.

Trong đó, đáng chú ý là các dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng để đón tàu 50.000 DWT, xây dựng giai đoạn 2 đê chắn sóng, hệ thống neo trú bão và hệ thống điều phối giao thông hàng hải.

Theo thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, năm 2024, tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Hà Tĩnh đạt 34,15 triệu tấn, chiếm 29,3% sản lượng toàn bộ nhóm cảng biển số 2.

Giai đoạn 2020 - 2024, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng trung bình 2,3% mỗi năm. Đáng lưu ý, số lượt tàu cập cảng giảm trung bình 17,3%/năm, trong khi trọng tải mỗi chuyến tàu quốc tế đạt khoảng 30.000 tấn - phản ánh xu hướng chuyển dần sang tàu trọng tải lớn, giảm phụ thuộc vào tàu nhỏ.

Hiện nay, cảng Hà Tĩnh đã tiếp nhận tàu hàng rời có trọng tải lên tới 200.000 DWT tại khu bến Sơn Dương (Formosa). Tại cảng Vũng Áng, tàu tổng hợp 61.671 DWT và tàu container 45.000 DWT cũng đã được đón nhận.

Hạ tầng hiện hữu của khu vực gồm 25 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 4.986 m và 2 luồng hàng hải chính: luồng Vũng Áng (dài 3,2 km, sâu 12 m, rộng 150 m) và luồng Cửa Hội - Bến Thủy (dài 23,3 km, sâu tối thiểu - 2,5 m), trong đó luồng thứ hai chủ yếu do Cảng vụ Nghệ An quản lý.

Dù sở hữu nhiều tiềm năng, hệ thống cảng biển Hà Tĩnh vẫn còn không ít điểm nghẽn. Vùng đất cảng tại Vũng Áng và Sơn Dương còn hạn chế về diện tích, thiếu quỹ đất sạch để phục vụ mở rộng. Cùng với đó, nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và khu hậu cần - logistics do nhiều đơn vị quản lý khác nhau khiến quá trình triển khai thiếu tính đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và khai thác cảng.

Chính vì vậy, việc quy hoạch cảng biển Hà Tĩnh đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ nhằm giải quyết những điểm nghẽn về quỹ đất và hạ tầng liên kết, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững, hiện đại và hiệu quả cho hệ thống cảng biển trong dài hạn.

Phương Hoa

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-hon-14-000-ty-dong-phat-trien-cang-bien-ha-tinh-toi-nam-2030.htm
Zalo