Cần hoàn thành thêm khoảng 1.000 km đường cao tốc trong năm 2025
Bộ GTVT vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án để hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ vào cuối năm 2025.
Tiếp tục nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Thông báo kết luận nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc; như vậy, để hoàn thành mục tiêu 3.000 km trong năm 2025 cần hoàn thành thêm khoảng 1.000 km. Thời gian qua các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu; các chủ đầu tư đã tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, tiến độ nhiều dự án đáp ứng thậm chí vượt kế hoạch.
Bộ GTVT ghi nhận và biểu dương sự lỗ lực triển khai của các địa phương, các chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, một số công việc còn chậm, việc tổ chức thi công tại một số dự án còn chưa quyết liệt có nguy cơ không hoàn thành nếu không có sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm trong triển khai.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, các Ban QLDA thuộc Bộ nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm" để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, với tinh thần "tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước"; không chủ quan, lơ là trong chỉ đạo điều hành ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, nhất là các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 thuộc danh mục 3.000 km cao tốc.
Đồng thời, đánh giá, rà soát đường "găng" tiến độ của từng dự án cụ thể và có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án; nghiêm túc rà soát, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" đã được Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024 tại tỉnh Đắk Lắk.
"Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải tiếp tục đẩy mạnh và quán triệt thực hiện nghiêm. Các chủ đầu tư, các chủ thể tham gia dự án cần rà soát các quy định để kịp thời khắc phục vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư; phòng chống tham nhũng tiêu cực và đặc biệt là thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong mọi khâu từ khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu, thanh, quyết toán, không để thất thoát, lãng phí, tiền, tài sản của nhà nước", Kết luận nêu rõ.
Bộ GTVT giao Cục QLĐTXD tham mưu thành lập 3 tổ công tác rà soát hồ sơ pháp lý, dự toán các dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ GTVT quyết định đầu tư giai đoạn từ năm 2021 đến nay, nhất là dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để có giải pháp khắc phục kịp thời các sai sót (nếu có) theo các kết luận của thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ
Thông báo kết luận cũng nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn tại một số dự án (Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang - Hà Giang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) đòi hỏi sự quyết tâm, sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, cả hệ thống chính trị tại các địa phương, thực hiện tốt công tác dân vận để tạo sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân mới bảo đảm hoàn thành đáp ứng tiến độ dự án.
Chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu, trên nguyên tắc không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ. Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đặc biệt là tư vấn giám sát cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy trình thi công, kiểm soát chặt chẽ việc nghiệm thu để bảo đảm chất lượng tốt nhất về kỹ, mỹ thuật công trình đặc biệt là hạng mục mặt đường và xử lý nền đất yếu.
Với các dự án khu vực phía Nam còn khó khăn về vật liệu đắp, đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các mỏ vật liệu xây dựng để đẩy nhanh các thủ tục, sớm huy động đủ nguồn vật liệu cho các dự án; chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu; nghiên cứu điều chỉnh các giải pháp xử lý nền đất yếu để rút ngắn thời gian thi công, giảm lượng cát gia tải; xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu đá cho công tác thi công mặt đường, tránh tập trung vào giai đoạn cuối năm gây khó khăn cho việc cung ứng.
"Đề nghị các địa phương chủ động thu xếp nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bố trí cho dự án, không để thiếu vốn cho các dự án trọng điểm; trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí nguồn vốn cho các dự án phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ", Bộ GTVT đề nghị.
Bộ GTVT yêu cầu đối với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT phối hợp với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật tại các dự án chậm nhất trong tháng 1/2025, tập trung vào các dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
"Các Ban QLDA: 85, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hoàn thành các thủ tục để bảo đảm nguồn đá, vật liệu đắp cho dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và Cao Lãnh - Lộ Tẻ", Bộ GTVT nêu rõ và yêu cầu các đơn vị này quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai ngay khi nhận được mặt bằng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành các dự án theo kế hoạch. Trước mắt tập trung hoàn thành giải ngân hết kế hoạch năm 2024, từ nay đến hết tháng 1/2025 cần giải ngân gần 16.000 tỷ đồng.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công hệ thống giám sát điều hành giao thông (ITS) để bảo đảm khai thác đồng bộ với việc hoàn thành tuyến chính cao tốc.
Đẩy nhanh tiến độ các dư án do địa phương làm cơ quan chủ quản
Đối với các tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản, Bộ GTVT đề nghị các đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện một số công việc sau:
Các tỉnh Đồng Nai (còn khoảng 11 km), Bình Dương (còn khoảng 1 km), Khánh Hòa (còn khoảng 3,3 km), Tuyên Quang (còn khoảng 13 km) chỉ đạo các sở, ban ngành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia để quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Tuyên Quang - Hà Giang trong tháng 1/2025.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chủ động làm việc với các địa phương có mỏ để xác định nguồn vật liệu đắp, hoàn thành trong tháng 12/2024; chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu để bảo đảm tiến độ gia tải tại dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh;
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tuyên Quang, Hà Giang chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực triển khai để bảo đảm hoàn thành dự án trong năm 2025, không lùi tiến độ, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành 3.000 km.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang và UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ cát bị tạm dừng để cung ứng cho dự án đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ để bảo đảm khai thác đồng bộ.
Bộ GTVT đề nghị VEC phối hợp với các cơ quan liên quan sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án Bến Lức - Long Thành để có đủ điều kiện công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói J3-1; giải quyết các khiếu kiện của nhà thầu phù hợp với quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan giám định hoàn thành công tác giám định xây dựng đối với gói thầu J2; rà soát tiến độ các gói thầu còn lại, yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị để bù lại tiến độ bị chậm.
"Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam cần tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ, phát hiện các tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức thi công, quản lý chất lượng, tiến độ để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết, báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ, xử lý các vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền, đặc biệt đối với các dự án hiện đang bị chậm tiến độ; phối hợp triển khai các nhiệm vụ theo thẩm quyền, hỗ trợ các cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai dự án tại địa phương", Bộ GTVT yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thu phí sau khi Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực theo kết luận tại Thông báo số 564/TB- VPCP ngày 19/12/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", gửi kết quả về Bộ Nội vụ, Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.