TP HCM tái cấu trúc bộ máy để bứt phá
TP HCM đặt mục tiêu sau sắp xếp, bộ máy mới phải vận hành thông suốt, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thống nhất thông qua dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Chọn phương án sắp xếp chất lượng nhất
Theo dự thảo đề án, sau khi sắp xếp, ở cấp thành phố, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy TP HCM từ 6 giảm còn 5; Đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP HCM từ 51 giảm còn 27 (22 Đảng bộ quận, huyện, TP Thủ Đức và 5 Đảng bộ cấp trên cơ sở); kết thúc hoạt động của 11 Đảng đoàn và 3 ban cán sự Đảng.
Trực thuộc UBND TP HCM, các cơ quan chuyên môn giảm từ 21 còn 15 (trong đó có Sở Du lịch), 8 cơ quan hành chính giảm còn 2; 35 đơn vị sự nghiệp giảm còn 32. TP HCM đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, sở không nằm trong diện sắp xếp lần này.
Ở cấp huyện và tương đương, sau khi sắp xếp giảm 1 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện. UBND TP Thủ Đức từ 16 phòng chuyên môn, giảm còn 14. Cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND quận, huyện từ 12 phòng chuyên môn, giảm còn 10 phòng.
Ngoài ra, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; phấn đấu giảm 15% đầu mối bên trong và có lộ trình giảm biên chế theo quy định. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí TP HCM theo mô hình phù hợp, bám sát Quyết định 362/2019/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương đối với hệ thống báo chí.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thống nhất rất cao về quan điểm, chỉ đạo của Trung ương và xác định chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18 phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thuộc cấp thành phố, cấp quận/huyện, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ này.
"Dù khẩn trương nhưng việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá kỹ tác động để có được phương án chất lượng tốt nhất" - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM nhìn nhận.
Chủ động, quyết liệt, khẩn trương
Quyết tâm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của TP HCM được khẳng định khi thành phố chọn chủ đề năm 2025 là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố".
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM bám sát chỉ đạo của Trung ương, làm việc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, tích cực, tập trung để hoàn thành nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18. Trong quá trình thực hiện, TP HCM luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, đồng thời cũng mạnh dạn đề xuất những kiến nghị phù hợp với đặc thù của thành phố.
"TP HCM chấp hành nghiêm chỉ đạo của Trung ương, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, kết thúc các tổ chức trung gian và các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo; kiên quyết tinh gọn cơ cấu, tổ chức bên trong; giao trách nhiệm người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn bên trong cơ quan, đơn vị mình" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thực hiện sắp xếp để bộ máy thật sự tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Sau sắp xếp, bảo đảm yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn; đi vào hoạt động ngay, không để trống địa bàn, lĩnh vực; hoạt động thông suốt để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
"Chúng ta phải triển khai quyết liệt nhất với tinh thần cách mạng nhất như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Có nghĩa là vừa chạy vừa xếp hàng, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện và cấp huyện cũng không chờ cơ sở, mỗi cấp đều có sự chủ động" - ông Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Song song đó, TP HCM cũng nghiên cứu việc ban hành các chính sách về chế độ cho cán bộ, công chức ảnh hưởng do sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo Bí thư Thành ủy, việc giải quyết chế độ phải xem xét từng trường hợp cụ thể, thực hiện công bằng, thấu tình đạt lý; chính sách khi được ban hành phải toàn diện, sát thực tiễn và bảo đảm yêu cầu.
Tái cơ cấu nội bộ, rà soát quy trình
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương dù thuộc diện cần sắp xếp hay không cũng phải tái cơ cấu trong nội bộ, rà soát quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các cơ quan trong diện sắp xếp phải nhận diện Trung ương cần sửa đổi quy định, văn bản quy phạm pháp luật gì để phục vụ cho hoạt động của bộ máy mới.
"Bộ trưởng Bộ Tư pháp xác định có khoảng 184 luật và trên 200 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi để phục vụ việc sắp xếp. Bản thân chúng ta là người làm trực tiếp thấy cần sửa đổi gì cũng phải nghiên cứu" - Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu.
PGS-TS Phan Thanh Bình
PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Chú trọng yếu tố đặc thù
TP HCM là một đô thị đặc thù. Khi sắp xếp bộ máy, thử đặt ra một số câu hỏi: Vấn đề an toàn thực phẩm cho 10 triệu dân TP HCM đang được quản lý như thế nào? Các truyền thống văn hóa, quy hoạch kiến trúc đô thị, di sản của TP HCM cần được gìn giữ và phát huy ra sao?...
Do đó, chúng ta cần xem xét trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, việc giữ nguyên, sáp nhập hay kết thúc hoạt động một đơn vị nào của TP HCM cũng cần quan tâm đến đặc thù của một siêu đô thị rất đặc thù, đó là Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM.
TS Trần Anh Tuấn
TS Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM:
Phát huy cơ chế linh hoạt của Nghị quyết 98
Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, TP HCM cần phát huy cơ chế linh hoạt từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết này cho phép TP HCM được điều chuyển chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan này sang các cơ quan khác. Đây là một cơ chế rất linh hoạt và quan trọng.
Trong thời gian đầu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, dự báo sẽ có tình trạng ùn ứ trong công việc. Do đó, TP HCM có thể điều chuyển chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan này sang cơ quan khác theo cơ chế của Nghị quyết 98/2023 để kịp thời giải quyết, xử lý công việc.
Bà Phạm Phương Thảo
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM:
Thử thách năng lực người đứng đầu
Trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, TP HCM không nên cào bằng giữa các địa phương, đơn vị. Thành phố cần có chính sách để giữ cho được người giỏi, có phẩm chất và năng lực tốt ở lại bộ máy nhà nước.
Trong việc tinh giản biên chế, quan trọng nhất là phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo, người đứng đầu. Họ phải khách quan, công tâm, đánh giá đúng năng lực cán bộ thông qua hiệu quả công việc, sản phẩm. Việc tinh giản biên chế lần này thử thách năng lực của người lãnh đạo, người đứng đầu.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP HCM:
Cần Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM
Trước mắt, TP HCM cần tập trung thực hiện rốt ráo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18. Trong tương lai gần, cần nâng tầm thể chế của TP HCM. Cụ thể là đưa ra những đề xuất mang tính vững chãi hơn cho thành phố chứ không chỉ dừng lại ở các nghị quyết. Đó có thể là Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM.
Nếu không có "mảnh đất" pháp lý này, những đề xuất của TP HCM sẽ thiếu cơ chế gắn chặt, thiếu tính hệ thống mang chiều sâu. Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM sẽ giúp thành phố giải quyết được nhiều vấn đề hơn, không chỉ riêng mỗi vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy.