Cần gỡ rào cản để phát triển khu công nghiệp sinh thái

Đồng Nai thuộc một trong 5 tỉnh, thành (Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng) trên cả nước được Bộ KH-ĐT chọn xây dựng mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu trong tiến trình sản xuất xanh để phát triển bền vững. Mục tiêu của Việt Nam là sau khi thành công sẽ nhân rộng ra cả nước. KCN Amata (TP.Biên Hòa) đang triển khai mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên, quá trình triển khai KCN sinh thái đang gặp một số vướng mắc về thủ tục hành chính nên một số tiêu chí khó hoàn thành.

Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, khu sinh thái. Trong đó có quy định về mô hình KCN sinh thái, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030… Điều này cho thấy, Việt Nam tập trung cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN sinh thái cần phải có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tham gia. Đơn cử, doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình tuần hoàn chất thải từ sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để đổi mới công nghệ, các thủ tục hành chính để thực hiện sản xuất xanh còn rườm rà…

Theo đề xuất của các tỉnh, thành cũng như Đồng Nai, để khuyến khích phát triển các KCN sinh thái cần có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, giải quyết nhanh các vướng mắc.

Hiện nay, cả nước có 400 KCN, riêng Đồng Nai quy hoạch gần 40 KCN, trong đó 31 KCN đang hoạt động. Tỉnh dự tính sẽ nhân rộng mô hình KCN sinh thái nhưng đang gặp một số khó khăn và đang chờ tháo gỡ từ các bộ, ngành trung ương. Nếu chính sách thông thoáng, rõ ràng sẽ tạo điều kiện nhân rộng các KCN sinh thái trên cả nước. Như vậy, sẽ giúp cho công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/can-go-rao-can-de-phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-3167923/
Zalo