Cần gỡ 'nút thắt' tài chính, giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Không chỉ là xu thế, chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, đối diện với nhiều khó khăn, vấn đề tài chính là một trong những yếu tố đặc biệt được quan tâm.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, nêu ra những "nút thắt" của doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi xanh
Những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn đã tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi chủ yếu xuất hiện ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài. Có thể kể đến như Vinamilk, TH True Milk, Masan trong công bố lộ trình giảm phát thải, đầu tư và năng lượng tái tạo,...
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm phần lớn tổng số doanh nghiệp cả nước (hơn 97%) thì lại chưa có sự đầu tư và chưa có chuyển biến rõ nét.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong chuyển đổi xanh, "Diễn đàn khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh" đã được tổ chức tại Hà Nội cùng sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về chuyển đổi xanh.
Theo đó, xu hướng chuyển đổi xanh kết hợp với tiến bộ công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thúc đẩy quá trình phát triển bền vững. Song, mức độ triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, bắt nguồn từ nhiều "nút thắt" của chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp.
Liệt kê những "nút thắt", bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, bên cạnh những vấn đề về nhận thức, chuyên môn,... thì vấn đề tài chính là "nút thắt" cần đặc biệt quan tâm.
Theo đó, các công nghệ phục vụ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải tiên tiến hoặc triển khai năng lượng tái tạo đều đòi hỏi mức chi phí đầu tư lớn so với năng lực tài chính thông thường của doanh nghiệp Việt.
Nếu đầu tư thông thường vào thiết bị hoặc sản xuất có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, thì các dự án chuyển đổi xanh như xử lý khí thải, tái chế nước, sử dụng năng lượng tái tạo, số hóa vận hành để giảm phát thải..., thường có chu kỳ hoàn vốn kéo dài từ 5 –10 năm.
Dù Việt Nam đã có một số chương trình tài chính xanh như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các khoản vay từ ADB, WB…, nhưng khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh.
Hơn nữa, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với dòng tiền eo hẹp, "việc phân bổ một phần ngân sách lớn vào các dự án lợi ích lâu dài là điều không dễ dàng" bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đưa ra giải pháp sử dụng tài chính xanh
Nối tiếp quan điểm trên, nhằm gỡ rối cho vấn đề tài chính, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA),đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Theo đó, Chính phủ cần xây dựng và thiết lập khung chính sách tài chính xanh tích hợp, bao gồm tín dụng, tái cấp vốn, chính sách tài khóa và tài chính cho khu vực tu nhân, ngân hàng và tài chính xanh, cũng như thị trường vốn để chuyển dòng vốn vào nền kinh tế xanh và các chương trình biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiện đã xây dựng chiến lược và thành lập ban chỉ đạo quốc gia để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng cần xây dựng khung chính sách, công cụ và sản phẩm tài chính xanh để dòng vốn được phân luồng phù hợp và đầy đủ.
Đồng thời, ông đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương Chính phủ, gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao); tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định pháp luật...