Cần gỡ 'nút thắt' để phát huy hiệu quả các cung, nhà văn hóa thiếu nhi

Giúp thiếu nhi trên các địa bàn, nhất là tại các cơ sở, địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn điều kiện vật chất có cơ hội tiếp cận sân chơi một cách đồng đều; phát huy có hiệu quả hơn nữa các cung, nhà thiếu nhi trên địa bàn... là những nội dung thảo luận sôi nổi tại Hội nghị Hội đồng Đội T.Ư lần thứ ba, khóa IX, giai đoạn 2023 - 2028.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Đội T.Ư lần thứ ba, khóa IX, giai đoạn 2023 - 2028 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả triển khai chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi học kỳ I, năm học 2024 - 2025; hoạt động hệ thống nhà thiếu nhi và hướng dẫn hoạt động hệ thống nhà thiếu nhi năm 2025; tình hình trẻ em, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em năm 2024; thực trạng tổ chức hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi và thiết chế văn hóa dành cho trẻ em…

 Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì hội nghị.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo “Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và các hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2024” của Hội đồng Đội T.Ư, trẻ em mong muốn có thêm các điểm sinh hoạt, vui chơi dành riêng trên địa bàn dân cư, tăng cường các sân chơi lành mạnh trên môi trường mạng; xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí miễn phí có nội dung và hình thức phong phú, đặc biệt tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa...

Quan tâm đến sân chơi dành cho thiếu nhi

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Kiểm - Giám đốc Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư cho biết thêm, trong 5 năm qua, hệ thống cung, nhà thiếu nhi đã giảm gần một nửa từ hơn 200 xuống còn 126. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sân chơi cho thiếu nhi và cần có nhìn nhận rõ hơn về vai trò của nhà thiếu nhi.

“Tôi cho rằng, cần thiết có Nghị định của Chính phủ để thay thế hệ thống văn bản cũ và bảo vệ những nhà văn hóa dành cho thiếu nhi”, ông Kiểm nói.

 Ông Nguyễn Đình Kiểm - Giám đốc Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Kiểm - Giám đốc Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đánh giá cao công tác Đội, các phong trào sôi nổi dành cho thiếu nhi trong năm qua.

“Tuy nhiên, ở các cấp xã, huyện, thực tế việc vận hành, hoạt động hệ thống nhà thiếu nhi vẫn còn nhiều rào cản về thiết chế, cơ chế, chính sách. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy từ cấp T.Ư đến địa phương hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần nhiều hơn nữa những tọa đàm, giải trình để bàn thảo sâu về vấn đề này, qua đó, tháo “nút thắt” cho cán bộ Đội, phụ trách Đội các cấp cơ sở”, bà Nga nói.

Ngoài ra, bà Nga cũng đề xuất, Hội đồng Đội quan tâm xây dựng chiến lược về phát triển trẻ em, thực hiện hóa chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em gắn với các mô hình mới, hoạt động thiết thực…

 Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, thời gian qua, tiếng nói của trẻ em đã được đưa vào Luật pháp, chính sách, phát huy có hiệu quả quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.

“Hội đồng Đội cũng cần đẩy mạnh nhiệm vụ thường xuyên, liên tục hơn trong bảo vệ trẻ em; giúp thiếu nhi trên các địa bàn, nhất là tại các cơ sở, địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn điều kiện vật chất có cơ hội tiếp cận sân chơi một cách đồng đều”, ông Bốn chia sẻ.

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi

Phát biểu kết luận hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư nhấn mạnh một số nội dung quan trọng. Theo chị Trang, năm 2025 sắp tới là một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Vì vậy, trong thiết kế chương trình, hoạt động trong học kỳ 2 cần bám sát vào các sự kiện lớn để tạo nên những hoạt động, phong trào phù hợp. Qua đó, tạo động lực thi đua chung cho các em thiếu niên nhi đồng, cho cán bộ làm công tác trẻ em ở địa phương, cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội...

Đặc biệt, sau nhiều góp ý, đề xuất của các đại biểu về việc phát huy có hiệu quả hơn các cung, nhà thiếu nhi trong bối cảnh sát nhập, tinh gọn bộ máy hiện nay, chị Trang nói: "Chúng ta cần kiên định, tiếp tục nỗ lực trong việc tổ chức, thiết kế các các hoạt động dành cho thiếu nhi sao cho hiệu quả; tìm ra, phát hiện tài năng trẻ... Phải khẳng định được vai trò của cung thiếu nhi, là nơi thí điểm các mô hình và tổ chức hoạt động cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư; khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi của mình".

 Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu kết luận Hội nghị.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu kết luận Hội nghị.

Chị Trang cũng lưu tới cán bộ ở cơ quan thường trực cần tiếp thu, xác lập những giải pháp cụ thể cho năm 2025. Trong đó, tập trung đề xuất nhiều giải pháp hơn nữa để kịp thời phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em và phát huy hơn nữa quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-go-nut-that-de-phat-huy-hieu-qua-cac-cung-nha-van-hoa-thieu-nhi-post1702257.tpo
Zalo