Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động văn hóa, báo chí
Sáng ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại Tổ 2.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có bố cục gồm 04 Chương, 20 Điều, trong đó: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 11); Chương III. Ưu đãi thuế TNDN (từ Điều 12 đến Điều 18); Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 19 và 20). Nội dung của dự thảo Luật cơ bản bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội đồng ý.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế...
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới, đồng thời đề suất bổ sung quy định ưu đãi cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; báo chí, truyền thông và một số doanh nghiệp có người lao động là người yếu thế…
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi xem xét đố với các lĩnh vực để tăng thuế, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải hết sức thận trọng, để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm. Riêng đối với các lĩnh vực mới, có tính động lực tăng trưởng (như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức…), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định những chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo chí và văn hóa xuống còn 10%, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, truyền thông đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số. Bởi, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời bình đặc biệt rất quan trọng. Đây là phương tiện, vũ khí quan trọng để đấu tranh với các thông tin giả, xấu độc, phòng chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời giúp tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mô hình hay và thông tin tích cực.
“Tôi đề nghị trong giai đoạn đầu, các lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, văn hóa, báo chí được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc là chịu mức thuế thấp nhất để khuyến khích”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Góp ý về dự án Luật này, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, việc áp dụng ưu đãi thuế cho lĩnh vực văn hóa và báo chí là phù hợp, đặc biệt là đối với các đơn vị báo in. Theo đại biểu, riêng đối với các đơn vị báo in, dự thảo Luật cần phải giảm thuế sâu hơn, xuống khoảng mức 5% để hỗ trợ và khuyến khích các đơn vị này phát triển, nhất là trong bối cảnh độc giả có xu hướng chuyển sang báo điện tử nhiều.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét ưu đãi thuế suất đối với các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng dự án ở các địa bàn đặc biệt khó khăn nhằm tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư. Đồng thời, cần tính toán chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo đại biểu, dự thảo Luật nên cân nhắc cho phép các doanh nghiệp được trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi tính thu nhập chịu thuế. Bởi hiện nay, một số quy định về chi phí được trừ còn hạn chế, gây bất lợi cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tính chính xác của thu nhập chịu thuế.
Ủng hộ việc ưu đãi thuế suất cho lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần có sự phân loại và mức ưu đãi thuế phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể, tránh việc ưu đãi quá mức đối với các hoạt động mang tính thương mại cao. Ví dụ, cần phân biệt giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ giáo dục, bảo tồn các giá trị di sản và các hoạt động mang tính giải trí thuần túy, có doanh thu cao.
Đại biểu cũng lưu ý, hiện nay game là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận rất cao, cần được quản lý chặt chẽ và áp dụng mức thuế phù hợp. Đối với các ngành công nghệ mới như chip bán dẫn, đại biểu cho rằng, cần kết hợp giữa mức thuế suất ưu đãi và các chính sách ưu đãi khác để thu hút đầu tư.
Bên cạnh các ý kiến đề nghị cần quy định ưu đãi thuế suất cho các lĩnh vực văn hóa và báo chí, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị dự thảo Luật không nên quy định tỷ lệ cứng nhắc 30% lao động là người khuyết tật hoặc sau cai nghiện để được giảm thuế. Thay vào đó, nên quy định theo tỷ lệ lao động thực tế tham gia, nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp nhận đào tạo và giúp đỡ các đối tượng này có công việc và tham gia hoạt động xã hội, xây dựng cuộc sống.
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng góp ý cụ thể đối với các nội dung của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp: