Cần giám sát hiệu quả hơn nữa việc thi hành pháp luật
Ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng Đồng (đoàn Quảng Trị) trả lời phỏng vấn.
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng đây là chủ trương rất đúng và rất trúng trong bối cảnh hiện nay.
Theo đại biểu, những điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật đang tạo ra lòng tin và sự kỳ vọng rất lớn của người dân đối với việc Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, giúp cho các quy định của pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống thực chất hơn. Hệ thống pháp luật sẽ được vận hành trơn tru và được thực hiện nghiêm minh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, mặc dù ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được nâng lên đáng kể nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, tình hình chấp hành pháp luật của người dân thời gian qua vẫn còn vấn đề tồn tại, chưa thực sự tốt, chưa có tính hệ thống, chưa thường xuyên, liên tục.
Đại biểu tỉnh Quảng Trị lấy ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 168, có quy định về tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, các cơ quan chức năng thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành của người dân và đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan giám sát. Nhờ đó ý thức chấp hành của người dân đã chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ý thức chấp hành các quy định trong lĩnh vực an toàn giao thông của người dân đang có dấu hiệu “chững” lại, thậm chí tại một số nơi, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của người dân có chiều hướng quay trở lại thời điểm trước khi Nghị định 168 được ban hành. Điều này cho thấy quá trình thực thi pháp luật chưa được nghiêm, chưa thường xuyên, chưa liên tục từ khâu tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thực thi và đặc biệt là cơ chế giám sát, công khai, minh bạch chưa được thực hiện một cách triệt để.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ mong muốn những vấn đề tồn tại này sẽ được giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Để làm tốt được điều này, theo đại biểu, cần có cơ chế giám sát độc lập cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải trình, công bố, công khai, minh mạch những thông tin, số liệu tình hình chấp hành pháp luật trong phạm vi đảm trách. Có như vậy, các quy định của luật pháp mới phát huy hiệu quả.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) trả lời phỏng vấn.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc chấp hành pháp luật của chúng ta thời gian quan cho thấy chưa đầy đủ, chưa quyết liệt. Do đó dẫn đến tình trạng ban đầu thì “chặt”, nhưng sau đó thì “mở” và cuối cùng là “lỏng”. Đây là vấn đề tồn tại khá lâu cần sớm được khắc phục.
Để khắc phục tồn tại này, theo đại biểu, trước hết là từ người dân. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành luật pháp. Tình trạng luật được ban hành nhưng người dân không chấp hành trong khi cơ quan, tổ chức thi hành pháp luật chưa nghiêm sẽ tạo ra tình trạng luật không có tác dụng hay còn gọi là “nhờn” luật. Thực hiện các quy định của pháp luật không phải là việc thực hiện theo phong trào, càng không thể thực hiện theo cảm hứng. Người dân cần phải xây dựng ý thức tự giác có hệ thống để chấp hành pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc.
Bên cạnh đó, những người thực thi luật pháp cũng cần duy trì việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tuân theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Không thể chỉ duy trì nghiêm các quy định khi phát động phong trào và sau đó dần buông lỏng tạo ra "lỗ hổng" để người dân vi phạm pháp luật. Đại biểu tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ mong muốn, trong bối cảnh chúng ta đang tinh gọn bộ máy, lực lượng chức năng cũng sẽ được tinh giản, tinh gọn. Do vậy, cần tăng cường các phương tiện giám sát hiện đại để trợ giúp lực lượng chức năng thực hiện giám sát việc thực thi pháp luật hiệu quả...