Cần giải pháp đồng bộ trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Dân số tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn rộng, dân cư tập trung đông ở các vùng đô thị, trung tâm huyện, xã, lượng rác thải sinh hoạt đô thị lẫn nông thôn tại Lâm Đồng ngày càng tăng. Cùng với đó, việc thu gom còn nhiều hạn chế, thiếu các nhà máy xử lý rác thải lẫn các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường cần sớm được giải quyết.
Bài 1: Thiếu phương tiện thu gom rác
Lượng rác thải sinh hoạt tăng dần theo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng đơn vị chức năng đang thiếu phương tiện, thiếu xe ép rác chuyên dụng, số xe đang sử dụng quá tải, hư hỏng, gây trở ngại không nhỏ đến việc thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày.

Rác thải sinh hoạt đổ thành đống chờ xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải tại xã Xuân Trường, Đà Lạt
• TRÊN 1.000 TẤN RÁC THẢI SINH HOẠT MỖI NGÀY
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (hay rác thải sinh hoạt) phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay khoảng 398.668 tấn/năm, tương đương 1.092,3 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt bao gồm các chất thải có liên quan đến hoạt động của cộng đồng dân cư, bao gồm rác thải từ các gia đình, cơ quan, tổ chức, công sở, khu vực công cộng, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp, rác thải tồn đọng từ các bãi chôn lấp hiện hữu.
Tại khu vực đô thị có dân cư đông đúc như Đà Lạt và Bảo Lộc, theo ngành chức năng tỉnh, lượng chất thải thực phẩm chiếm khoảng 50 - 66% trong rác thải sinh hoạt; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế khoảng 16 - 19% và chất thải rắn sinh hoạt khác chiếm tỷ lệ khoảng 15 - 34%. Tại các thị trấn của các huyện, tỷ lệ chất thải thực phẩm trong rác thải sinh hoạt ít hơn, chỉ chừng 41%, do đa số các gia đình tận dụng lượng rác thải này làm thức ăn cho vật nuôi, gia súc, gia cầm hoặc làm phân bón cho cây trồng; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế chiếm khoảng 15%; còn lại là chất thải rắn sinh hoạt khác chiếm khoảng 44%.
Với vùng nông thôn, tỷ lệ các chất hữu cơ trong rác thải sinh hoạt chiếm khá cao, từ 55 - 75%; chủ yếu từ thực phẩm, chất thải làm vườn dễ phân hủy, còn lại là rác thải sinh hoạt khác. Nếu tính riêng cho vùng nông thôn, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh mỗi ngày tại Lâm Đồng chừng 378,7 tấn, trong đó chỉ trên 300 tấn được thu gom (chiếm khoảng 79,7%) phần còn lại được thải thẳng ra tự nhiên, tạo sức ép rất lớn cho môi trường.
Điều đáng nói, lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đang có xu hướng tăng dần theo từng năm trong những năm gần đây. Trong đó, huyện Lâm Hà có lượng rác thải sinh hoạt phát sinh cao nhất, dao động từ 57 - 58 tấn/ngày.
• THU GOM RÁC THẢI SINH HOẠT NÔNG THÔN ĐẠT THẤP
Theo ngành chức năng, hiện tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị Lâm Đồng tính trung bình đạt 96% (tăng 8% so với năm 2021) và khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 80% (tăng 13% so với năm 2021). Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều nhất hiện nay là tại Đà Lạt với trên 280 tấn/ngày, Đức Trọng với trên 155 tấn/ngày, Bảo Lộc với trên 146 tấn/ngày, Di Linh với 132 tấn/ngày. Các địa phương có lượng rác thải phát sinh thấp hơn là Đạ Huoai với trên 93 tấn/ngày, Lâm Hà với trên 85 tấn/ngày, Đơn Dương với 71 tấn/ngày, Bảo Lâm với 57 tấn/ngày, Đam Rông với trên 46 tấn/ngày và ít nhất là huyện Lạc Dương chỉ trên 24 tấn/ngày.
Riêng với Đà Lạt, lượng rác thải phát sinh trong ngày như trên chỉ tính vào cộng đồng dân cư hiện có. Nhưng đây lại là một thành phố du lịch, hằng năm có khoảng chục triệu lượt người đến đây, nên những thời điểm cao điểm du lịch, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh có thể lên đến gấp đôi, từ 600 - 700 tấn/ ngày, gây áp lực nặng nề cho việc thu gom và xử lý.
Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nhà máy xử lý rác thải, đến các bãi chôn lấp tại Đà Lạt được giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt thực hiện; tại Bảo Lộc do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc phụ trách; các huyện còn lại do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Công trình công cộng của huyện chịu trách nhiệm. Cho đến nay, việc thu gom rác thải trong tỉnh chủ yếu được thực hiện bằng xe đẩy tay và xe cơ giới; xe đẩy tay được các công nhân vệ sinh dùng cho việc thu gom dọc theo các con đường sau đó đưa đến điểm tập kết rác thải. Các điểm tập kết rác thường ở các khu đất trống tại các ngõ, xóm, khu phố; tại đây xe đẩy được bốc lên đổ vào xe ép rác chuyên dụng để vận chuyển đến nhà máy hoặc bãi chôn lấp xử lý. Lâm Đồng hiện chưa có trạm trung chuyển rác thải đạt tiêu chuẩn. Nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay có tỷ lệ thu gom rác thải rất cao, trong đó Đơn Dương đạt tỷ lệ 100%, toàn bộ 71 tấn rác thải phát sinh trong ngày đều được thu gom. Đà Lạt, nơi có lượng rác thải phát sinh rất lớn với 278 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt gần 99%; Đức Trọng đạt 94,6% (thu gom 147 tấn/ngày); Đam Rông đạt 97,4% (45 tấn/ ngày); Bảo Lộc gần 70% (102 tấn/ ngày); Di Linh đạt 88,5% (117 tấn/ ngày); Đạ Huoai mới đạt gần 86% (80 tấn/ngày)...
Với vùng nông thôn, có một sự chênh lệch lớn trong thu gom rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trong khi Đà Lạt có tỷ lệ thu gom đạt gần 100%, Bảo Lộc với 89%, Đơn Dương trên 64%, thì một số huyện có tỷ lệ thu gom còn rất thấp như Lâm Hà chỉ đạt gần 43%, Bảo Lâm thấp nhất tỉnh với 37,2%. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc thu gom và xử lý rác thải vùng nông thôn trong tỉnh hiện nay còn khá thấp; việc xử lý rác thải nông thôn không theo quy định, không hợp vệ sinh môi trường
• THIẾU PHƯƠNG TIỆN THU GOM
Một trong những lý do mà nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt thấp chính là không đủ phương tiện thu gom, đặc biệt là xe ép rác chuyên dụng. Đà Lạt là nơi được trang bị phương tiện tốt nhất với 1.050 xe đẩy tay (thùng 660 lít, có gắn bánh xe để đẩy, một số xe đẩy được bố trí tại các điểm bỏ rác của các khu phố và các cộng đồng dân cư) và 18 xe ép rác cùng 5 xe tải thùng để vận chuyển rác hằng ngày. TP Bảo Lộc hiện có trên 400 xe đẩy, 30 thùng rác và 7 xe ép rác chuyên dụng lớn nhỏ. Huyện Đạ Huoai có 87 xe đẩy, 354 thùng rác và 8 xe ép rác. Đức Trọng có 15 xe đẩy, 5 thùng rác và 6 xe ép rác đang hoạt động. Di Linh có 5 xe ép rác chuyên dụng. Lâm Hà có 126 thùng rác và 5 xe ép rác. Đơn Dương có 300 thùng rác, 3 xe đẩy tay và 4 xe ép rác. Đam Rông có 120 thùng rác 20 xe đẩy tay và 3 xe ép rác. Lạc Dương có 120 thùng rác và 3 xe ép rác chuyên dụng. Riêng Bảo Lâm có 115 thùng rác, 4 xe đẩy tay và chỉ có 2 xe ép rác. Hiện có gần 600 công nhân vệ sinh đang làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại các huyện, thành phố.
Cần nói rằng, Lâm Đồng là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, khoảng cách xa nhau (như tại Đơn Dương chẳng hạn, tổng chiều dài thu gom, vận chuyển rác thải của huyện đến 259 km, nhiều huyện còn có địa bàn rộng hơn). Để thu gom và vận chuyển, các xe ép rác hằng ngày phải hoạt động hết công suất để phủ kín được địa bàn, trong số đó, rất nhiều xe đã cũ, xuống cấp, quá tải, thường xuyên hỏng hóc, khiến việc thu gom rác trở thành một áp lực cực lớn cho các đơn vị phụ trách. Thiếu xe chuyên dụng vận chuyển, thiếu cả thùng rác và các phương tiện cần thiết để phục vụ khiến việc phân loại rác thải tại nguồn của tỉnh trở thành một điều gần như khó có thể thực hiện.
(CÒN NỮA)