Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất 'lộ' nhiều bất cập sau khánh thành vượt tiến độ
Sau khi khánh thành, ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gần 11.000 tỷ đồng liên tiếp phát sinh bất cập làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách, gây xôn xao dư luận.
Khánh thành ngày 19/4, vượt tiến độ 2 tháng, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ga T3 Tân Sơn Nhất) bước đầu tạo dấu ấn với người dân và du khách nhờ vẻ ngoài hoành tráng, thiết kế hiện đại với nhiều tiện ích, công nghệ mới.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, công trình phát sinh loạt vấn đề liên quan đến các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga, trị giá hơn 9,9 nghìn tỷ đồng.
Gói thầu này do liên danh 6 nhà thầu thực hiện. Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đứng đầu liên danh.

Toàn cảnh nhà ga T3. Ảnh: Nguyễn Huế.
Từ dột nước đến sàn hở khe
Cơn mưa chiều tối 7/5 làm nước từ trên mái nhà ga T3 chảy xuống sàn khu vực hành khách chờ lên tàu bay. Nhiều người nháo nhào di tản, nhân viên sân bay phải huy động xô chậu, nhân công đến lau dọn nước.
Lý giải hiện tượng dột nước, Ban Quản lý dự án nhà ga T3 cho biết, nắng nóng kéo dài tại TPHCM làm nền nhiệt ở phần mái rất cao, khi mưa lớn đột ngột khiến chất lượng keo bị ảnh hưởng.
Cụ thể, khu vực mái kính lấy sáng có vị trí lớp keo bị hở dẫn đến rò rỉ nước khi mưa lớn. Trong khi, nhà ga thi công vượt tiến độ đưa vào khai thác sớm 2 tháng, chưa có thời gian thử nghiệm thực tế.
Sau vụ việc, chủ đầu tư yêu cầu liên danh nhà thầu kiểm tra toàn diện, khắc phục và đảm bảo không để lặp lại.


Khe hở xuất hiện giữa các tấm đá lát sàn tại ga T3. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Tiếp đó, bất cập tại hạng mục đá lát nền nhà ga T3 liên tục được hành khách chỉ ra. Nhiều vị trí thi công có hiện tượng mấp mô, bị xước, nứt. Thậm chí, mạch giữa 2 tấm đá lát sàn được thi công không đồng nhất, có đoạn còn không có bột trét mạch nên lộ ra những khe hở như những chiếc "bẫy" nguy hiểm với hành khách đi giầy gót nhọn.
Đại diện Ban điều hành liên danh nhà thầu cho biết, do tiến độ gấp rút để kịp đưa nhà ga vào khai thác dịp lễ 30/4, một số hạng mục phụ trợ, trong đó có nền đá sảnh chờ, buộc phải thi công sau khi nhà ga đi vào hoạt động.
Nhà thầu thông tin, những hạng mục trọng yếu như bơm keo silicon, joint đá và đánh bóng nền sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, cố gắng hoàn thiện toàn diện vào cuối tháng 6 này.
Khi những khiếm khuyết trên đang trong quá trình khắc phục thì đầu giờ chiều ngày 24/5, nhà ga gần 11.000 tỷ tiếp tục xảy ra dột nước.
Lần này, nước từ hệ thống mái lại chảy xuống sàn nhà ga tại khu vực hành khách làm thủ tục check-in vé và gửi hành lý.
Theo đại diện liên danh nhà thầu, nguyên nhân gây dột lần trước đã khắc phục xong.
Đối với hiện tượng dột nước lần này, nhà thầu lý giải, do mưa lớn nên nước từ mái nhà ga được thu gom qua hệ thống máng, ống thoát xuống hố ga. Tại đây, một mối nối của ống thoát nước bị hở gioăng khiến nước thoát ra ngoài.
Cũng theo nhà thầu, sự cố xảy ra trong thời gian ngắn, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác của nhà ga và đã được khắc phục sau đó.

Hành khách đi xe trung chuyển từ nhà ga T1 sang ga T3. Ảnh: Tuấn Kiệt
Hành khách than khó kết nối với ga T3, đi lạc 'như cơm bữa'
Ga T3 xây dựng tách biệt với ga T1 và T2 nên việc phân luồng giao thông cũng khác biệt. Thời gian qua, hành khách gặp khó khăn trong việc đi lại giữa các nhà ga T1, T2 qua T3 và ngược lại. Nhiều người bị đi nhầm đường, nhầm nhà ga, gặp khó khăn khi thực hiện bay nối chuyến...
Phía Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phải tổ chức shuttle bus (xe buýt chặng ngắn miễn phí) giữa 3 nhà ga cho khách nối chuyến, thời gian từ 4h30 sáng đến 0h30 sáng hôm sau, tần suất 15-20 phút/chuyến.
Đồng thời, Cảng cũng tổ chức trung chuyển hành khách nối chuyến từ ga T3 sang ga T1 bên trong sân đậu tàu bay. Thời gian từ 7h sáng đến 3h sáng hôm sau, tần suất 20 phút/chuyến. Lộ trình di chuyển bên trong sân bay từ khu vực sảnh Transit nhà ga T3 - đi qua sân đỗ tàu bay rồi khách xuống tại cửa A2 của ga T1.
Phía bên ngoài ga T3 cũng phát sinh nhiều bất cập, lộn xộn trên đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa trước khu vực cổng chính và cổng ra vào nhà ga. Hiện Sở Xây dựng TPHCM đang cùng Công an TP và các bên liên quan khảo sát, thống nhất phương án cải tạo giao thông khu vực.
Các giải pháp đưa ra gồm: Điều chỉnh kích thước hình học nút giao, lắp thêm dải phân cách, tăng cường biển báo, bổ sung hướng dẫn lưu thông rõ ràng và tăng cường lực lượng xử lý vi phạm. Dự kiến sẽ triển khai trong tháng 6/2025.

CSGT yêu cầu người dân không chạy xe máy ngược chiều vào đường cấm trước cổng vào ga T3. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Ga T3 được xây dựng với diện tích hơn 112.000m2, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, để giảm tải cho nhà ga quốc nội hiện hữu. Từ đầu tháng 5, nhà ga đã chính thức phục vụ nhiều chuyến bay trong nước mỗi ngày.
Đối với những khiếm khuyết tại nhà ga T3 sau 1 tháng khánh thành, Bộ Xây dựng đánh giá chưa ảnh hưởng đến an toàn vận hành và khả năng khai thác của công trình nhưng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách và gây chú ý trong dư luận xã hội.
Hiện nay, Bộ đã yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) khẩn trương rà soát, khắc phục triệt để những tồn tại trên.