Cần giải pháp để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là 'chân kiềng thứ 3' ở cơ sở GDĐH

Cần tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của SV trở thành động lực phát triển nhà trường bên cạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo một số chuyên gia đánh giá, hiện nay, hầu hết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục hoạt động còn yếu, thiếu cơ chế, nguồn lực. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường không được cấp thường xuyên nên rất khó khăn trong việc xây dựng và hoạch định kế hoạch.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (Mạng lưới được bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)), chia sẻ về kinh nghiệm, gợi ý giải pháp nhằm tăng cường vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học.

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thúc đẩy khát vọng làm giàu chính đáng cho học sinh, sinh viên

Đánh giá về tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm cho rằng, nhìn chung thời gian vừa qua, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã có nhiều sáng tạo trong việc triển khai hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Đặc biệt, số lượng và chất lượng các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được nâng lên rất nhiều từ sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm - Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm - Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

“Mục tiêu thực sự của hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp là hoàn thiện kiến thức và giáo dục kỹ năng toàn diện, từ đó các em có những sự lựa chọn phù hợp trong phát triển nghề nghiệp của bản thân, khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Hành trình khởi nghiệp không chỉ toàn màu hồng với những trái ngọt mà rất gian nan, nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi người trẻ khám phá bản thân và khẳng định giá trị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm chia sẻ.

Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho biết, các hoạt động này sẽ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần doanh chủ, khát vọng làm giàu chính đáng cho học sinh, sinh viên; góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng để hoàn thiện bản thân một cách toàn diện, định vị hướng phát triển trong tương lai.

Đặc biệt, giúp học sinh, sinh viên nhận thức đúng và đủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tránh tình trạng khởi nghiệp theo “trend”, phong trào. Sau đó, các em có những hành động đúng và trúng trong hành trình khởi nghiệp và giảm thiểu rủi ro, thất bại để có thể đạt được thành công trong tương lai.

"Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để ươm mầm, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, nhất là những em có ý tưởng, đam mê và mong muốn khởi nghiệp. Đó có thể là các hoạt động kết nối doanh nghiệp, giao lưu doanh nhân để học sinh, sinh viên có cơ hội cọ sát và tìm kiếm người đồng hành, học hỏi từ những bài học thành công và thất bại của những người đi trước; học cách tư duy phát hiện và giải quyết vấn đề, mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro,... hoặc có thể là các hoạt động hỗ trợ không gian làm việc, kết nối nhà đầu tư, hỗ trợ gọi vốn từ doanh nghiệp.

Có thể nhiều sinh viên chưa sẵn sàng khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng những kiến thức, kỹ năng, cơ hội có được từ các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong trường sẽ là hành trang rất giá trị và ý nghĩa đối với các em trong tương lai”, Phó Giáo sư Kiểm bày tỏ.

 Nguồn ảnh: Website Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn ảnh: Website Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Dẫn chứng về cơ sở giáo dục có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công, Phó Giáo sư Kiểm nhận xét, Đại học Quốc gia Hà Nội đang được đánh giá là “cái nôi” của nhiều startup thành công ở Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) với vai trò là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và học viên sau đại học đã có nhiều hoạt động đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, linh hoạt về thời gian để nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập nhằm ươm tạo, hỗ trợ hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, đặc biệt là về mặt pháp lý và sở hữu trí tuệ, phát triển sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư,...

Để được ứng dụng, kết quả nghiên cứu của SV phải có tính mới, thị trường và cạnh tranh

Từ góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư Kiểm cho rằng: “Hiện nay, công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đã được nhiều trường đại học quan tâm với các cách làm sáng tạo, từng bước mang lại hiệu quả, trở thành bệ phóng cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên từ khi “thai nghén” đến lúc thành hình và nhiều dự án khởi nghiệp đã “bước ra” khỏi cánh cổng trường để đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội từ chính bệ đỡ nhà trường.

Tuy vậy, vẫn còn đâu đó, một số đơn vị chỉ tổ chức hoạt động hỗ trợ mang tính hình thức, đối phó, chưa có các giải pháp thực sự hiệu quả để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”.

Cụ thể, một số khó khăn chính mà hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học đang đối mặt như: thiếu quỹ đất để xây dựng không gian dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; việc thành lập các trung tâm/bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo làm “phình” bộ máy/nhân sự/kinh phí trong khi đang thực hiện tinh gọn bộ máy và cắt giảm chi phí.

Mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp hầu hết còn lỏng lẻo và kém hiệu quả; nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, việc phát triển các quỹ đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp hạn chế.

Kiến thức, kỹ năng cũng như khả năng cân bằng giữa học tập và hoạt động khởi nghiệp của sinh viên cũng cần được tính toán để bảo đảm các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng hiệu quả.

Theo Phó Giáo sư Kiểm, những khó khăn kể trên đến từ nhiều nguyên nhân như thiếu đồng bộ trong cơ chế chính sách, thiếu quan tâm của lãnh đạo cơ sở giáo dục đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; văn hóa và truyền thống của đơn vị cũng dẫn đến hạn chế về tư duy, thói quen của người học.

Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, vườn ươm, quỹ đầu tư, đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp và chính các bạn học sinh, sinh viên.

Song, quan trọng nhất là cần hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục; tăng cường gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, hình thành các quỹ đầu tư trong trường dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; điều chỉnh các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận khởi nghiệp và nghề nghiệp thực tiễn.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia cuộc thi Robocon. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia cuộc thi Robocon. Ảnh: website nhà trường

Thực tế hiện nay, không ít đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khó được đưa vào ứng dụng. Về vấn đề này, Phó Giáo sư Kiểm cũng có những chia sẻ để tránh tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ “để trong hộc bàn”, gây lãng phí.

Theo Phó Giáo sư Kiểm, mục tiêu chính của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với học sinh, sinh viên là giúp các em vận dụng các kiến thức và kỹ năng được học vào giải quyết các vấn đề lý luận hoặc thực tiễn một cách khoa học. Từ đó hình thành tư duy nghiên cứu học tập và phương pháp làm việc khoa học, hoàn thiện kỹ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề một cách logic, hệ thống từ xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian, triển khai nhiệm vụ, đóng gói sản phẩm.

Chính vì thế, các chủ đề, nội dung và sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên không phải lúc nào cũng có thể ứng dụng được trong thực tiễn. Bởi, để ứng dụng được vào trong thực tiễn thì còn có nhiều yếu tố như tính mới, tính thực tiễn, tính hiệu quả, tính thị trường,...

Đối với đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng cao thì hoàn toàn có thể được nghiên cứu, phát triển để hoàn thiện, chuyển giao, thương mại hóa để ứng dụng trong thực tiễn.

“Để tránh tình trạng các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ “để trong hộc bàn”, gây lãng phí, các đề tài nghiên cứu phải bắt nguồn từ nhu cầu và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; các kết quả, giải pháp đưa ra phải có tính mới, hiệu quả và bảo đảm tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần phát triển các kênh truyền thông, kết nối, thu hút đầu tư của doanh nghiệp để họ tham gia thiết kế sản phẩm, marketing và đưa sản phẩm ra thị trường”, Phó Giáo sư Kiểm chia sẻ.

Cần giải pháp để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thật sự là “chân kiềng thứ 3”

Bàn về kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm cho hay, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã có ý tưởng khởi nghiệp và đam mê khởi nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu ra sao, lựa chọn hướng đi và mô hình nào cho phù hợp, cũng như chưa biết cách tận dụng cơ hội, tìm sự hỗ trợ hoặc tháo gỡ khó khăn trong các vấn đề pháp lý, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Do đó, để phát triển tối đa năng lực của sinh viên, hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, cần thiết phải nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học.

Song, muốn làm được thì cần tháo gỡ rào cản, đặc biệt là về cơ chế chính sách để hoàn thiện, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và có sự cam kết hành động, vào cuộc mạnh mẽ của ban lãnh đạo nhà trường (trực tiếp là thủ trưởng đơn vị). Có như vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới thật sự trở thành “chân kiềng thứ 3”, là động lực phát triển nhà trường bên cạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, cần tăng cường sự kết nối, nâng cao hiệu quả mối quan hệ toàn diện giữa nhà trường với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; phát triển và liên kết chặt chẽ với các cấu phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (quỹ đầu tư, chuyên gia/cố vấn khởi nghiệp,...). Từ đó, kiến tạo môi trường hỗ trợ toàn diện cho sinh viên sẵn sàng tâm thế cùng các điều kiện cần thiết để khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ trực tiếp làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp cũng cần được thường xuyên đào tạo nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc phải gắn với trách nhiệm, kết quả sản phẩm cụ thể.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-giai-phap-de-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-la-chan-kieng-thu-3-o-co-so-gddh-post248846.gd
Zalo