Cần được 'tiếp sức'

Trong xu thế hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ, những nghệ nhân dân tộc thiểu số ở vùng núi vẫn lặng thầm gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống.

Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch (Bài 1): Cầu nối giữa quá khứ và tương lai

Nghệ nhân Y Sút

Nghệ nhân Y Sút

Họ được trân quý gọi là “báu vật nhân văn sống” - những người lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Thế nhưng, thực tế cho thấy đời sống và sự cống hiến của họ vẫn chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Ở làng Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, TP Kon Tum (Kon Tum), không ai là không biết đến nghệ nhân Y Sút người phụ nữ Ba Na 70 tuổi, nhưng đã có hơn 50 năm gắn bó với khung cửi.

Bà kể: “Ngày xưa, con gái Ba Na không biết dệt là coi như chưa lớn. Mẹ tôi dạy tôi từ năm 15 tuổi. Mỗi hoa văn, mỗi màu sắc trên tấm vải đều có ý nghĩa riêng, có cái là cầu mong mùa màng bội thu, có cái là kể về truyền thuyết của làng”.

Trước đây nghề dệt mang lại thu nhập ổn định, giúp bà nuôi 8 người con trong gia đình. Tuy hiện tại nghề dệt không còn mang lại thu nhập cao như trước, nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, bà lại ngồi vào khung cửi, tỉ mẩn với từng đường dệt, từng nét hoa văn cho áo, váy và những vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày.

“Tôi học nghề từ mẹ rồi truyền lại cho con cháu. Nhưng lớp trẻ giờ đi làm xa, không mấy ai còn mặn mà với nghề nữa. Tôi lo lắm, nếu không ai học thì sau này ai còn biết đến thổ cẩm Ba Na”, bà tâm sự.

Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm tại Làng du lịch cộng đồng Đhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam)

Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm tại Làng du lịch cộng đồng Đhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam)

Thực tế, để hoàn thành một tấm thổ cẩm, người nghệ nhân có thể mất cả tuần. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chỉ bán được khoảng 300.000 - 500.000 đồng, trong khi chi phí nguyên liệu ngày càng đắt đỏ.

Bà Y Hoa xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei (Kon Tum) bộc bạch: “Làm cả tháng cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu đồng. Mình yêu nghề thì làm chứ sống bằng nghề thì không đủ đâu”.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết, các nghệ nhân cũng đề xuất chính quyền địa phương cần hỗ trợ đầu ra sản phẩm, kết nối tổ dệt với doanh nghiệp, điểm du lịch, các phiên chợ OCOP; tổ chức lớp truyền nghề miễn phí, có chính sách khuyến khích lớp trẻ học nghề; hỗ trợ chi phí nguyên vật liệu; xây dựng không gian trưng bày, bán sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng.

“Việc bảo tồn nghề truyền thống không thể chỉ đặt lên vai nhà nước. Cần có sự chung tay từ cộng đồng, các tổ chức xã hội và đặc biệt là giới trẻ”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Những nghệ nhân tâm huyết giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng Zara, huyện Nam Giang (Quảng Nam)

Những nghệ nhân tâm huyết giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng Zara, huyện Nam Giang (Quảng Nam)

Theo nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Yanh Danh, cần có thống kê đầy đủ, từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ hợp lý cho nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng để họ đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Định kỳ tổ chức xét tặng nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc đề xuất xây dựng hệ thống dữ liệu văn hóa - văn nghệ dân gian, tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan trình diễn di sản theo chuyên đề; đào tạo cán bộ nghiên cứu, kiểm kê và sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể tại các vùng dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân chính là cầu nối sống động giữa quá khứ và hiện tại, là người truyền lửa cho những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Để họ tiếp tục sứ mệnh này, rất cần những chính sách thiết thực và linh hoạt từ các cấp chính quyền, Bộ, ngành cũng như sự quan tâm, đồng hành của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ nằm ở việc lưu giữ những sản phẩm thủ công, mà quan trọng hơn là giữ được cái hồn, cái tinh thần của mỗi dân tộc - thứ chỉ có thể trao truyền bằng chính trái tim và bàn tay của những nghệ nhân.

Gìn giữ và phát huy giá trị của các “báu vật nhân văn sống” không chỉ là sự tri ân, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc trong dòng chảy hội nhập hôm nay.

(Còn tiếp)

N.ĐỒNG - K.CHI - N.HÒA - P.HIẾU

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/can-duoc-tiep-suc-130697.html
Zalo