Cân đối không gian chính sách, thúc đẩy nội lực

Năm 2025 mở ra nhiều kỳ vọng về sự tăng trưởng đột phá của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, các chính sách tài khóa trở thành giải pháp được mong chờ để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức lớn của nền kinh tế trong năm 2025.

Hợp lực kết nối sức mạnh nội tại

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải chịu nhiều áp lực từ các yếu tố bất lợi của thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Song, vượt qua mọi khó khăn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Việc kiểm soát lạm phát hiệu quả, duy trì ổn định tỷ giá và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội lớn từ sự phục hồi thương mại quốc tế. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu (EU). Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh về thuế quan, mở ra cơ hội xuất khẩu đáng kể cho doanh nghiệp...

Cũng trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách nhằm kích thích nhu cầu của thị trường thông qua các biện pháp tài khóa. Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191.000 tỷ đồng.

Một trong số những chính sách tài khóa được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất trong thời gian qua là miễn, giảm và giãn thuế. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, từ 2020 đến nay, trung bình mỗi năm các giải pháp hỗ trợ về thuế đã chiếm khoảng 10 - 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2024, Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp miễn, giảm và giãn thuế với tổng giá trị lên tới 97.000 tỷ đồng, giúp hơn 100.000 đối tượng thụ hưởng. Trong đó, riêng thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 67.000 - 70.000 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ thuế nói trên đã tác động trực tiếp đến nguồn tài chính của doanh nghiệp, góp phần duy trì sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, qua đó tạo ra động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Bởi vậy, dù áp dụng chính sách giảm thuế, song số thu từ một số khu vực quan trọng vẫn tiếp tục tăng trưởng.

“Điều này cho thấy tác động tích cực của chính sách kích cầu đã giúp tăng trưởng và tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển cho nền kinh tế và chứng tỏ các chính sách thuế không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.

Khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hòa mình để đi vào cuộc sống, hiệu quả dễ thấy nhất là từ phía người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Sơn cho biết, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh từ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên từ năm 2020 cho đến nay, doanh nghiệp đã liên tục được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, với số tiền trên 20 tỷ đồng cùng nguồn vốn được ngân hàng tin tưởng giải ngân cho vay đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi con đường sản xuất phụ tùng cho ô tô, xe máy đầy thách thức…

Người dân, doanh nghiệp đồng lòng tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá

Người dân, doanh nghiệp đồng lòng tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá

Tận dụng nguồn lực tài khóa

Bước sang năm 2025, các chuyên gia khẳng định, đây là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2025. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn là từ 6,5 - 7% và phấn đấu đạt 7,5% (so với mục tiêu từ 6 - 6,5% năm 2024). Để đạt được những mục tiêu này, đòi hỏi phải có rất nhiều cố gắng cùng sự phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Về chính sách tiền tệ, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam) nhận định, NHNN đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ trên thị trường tiền tệ (phát hành tín phiếu, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, bán can thiệp…) nhằm điều tiết thanh khoản VND và nhu cầu ngoại tệ biến động trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ như việc cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các giải pháp này góp phần thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo cơ sở để tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá. Do vậy dự báo Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO) nhận định, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp. Vì thế khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp nói trên hoàn toàn có cơ sở, bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn lực tài khóa dồi dào, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, hướng tới hoàn thành các mục tiêu của năm 2025.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa dồi dào do nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024, nên duy trì chính sách hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn sắp tới để tiếp tục củng cố nội lực cho doanh nghiệp, tạo bước đệm tăng trưởng bền vững bằng việc giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, để xác định có nên tiếp tục các chính sách tài khóa trong năm 2025 hay không cần phải nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp còn yếu thì tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, trong đó có nhóm chính sách tài khóa. Nếu doanh nghiệp định ổn định rồi thì để dành ngân sách cho các kế hoạch dài hơn.

Cùng chung nhận định, các chuyên gia cho rằng, việc dừng các chính sách tài khóa mở rộng là điều sớm hay muộn nhưng cũng cần tính toán thận trọng phù hợp với thực tiễn, không làm máy móc. Nếu kéo dài sẽ tạo thành thói quen, không tạo được động lực cho kinh tế phát triển. Trong trường hợp dừng hỗ trợ, Chính phủ, bộ ngành cần phải phát tín hiệu để doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước để cân đối nguồn vốn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển một cách bền vững.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-doi-khong-gian-chinh-sach-thuc-day-noi-luc-160058.html
Zalo