Cần điều chỉnh cơ chế để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sáng 19-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017.

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017. Ảnh: Hoàng Lân

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017. Ảnh: Hoàng Lân

Du lịch khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá, du lịch Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội, có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu tại chỗ, tạo nhiều công ăn việc làm nâng cao đời sống nhân dân.

Trong giai đoạn vừa qua, Du lịch Việt Nam đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã phục hồi so với thời điểm trước dịch Covid-19. “Chính phủ luôn xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được thể hiện ở Nghị quyết 08-NQ-TƯ. Vấn đề là ngành Du lịch cần phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đơn vị nhiều hơn”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2024, ngành Du lịch đã đón hơn 17 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng, bằng số lượng khách của năm 2019.

“Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc”, ông Phạm Văn Thủy cho biết.

Bên cạnh những đóng góp tích cực của ngành Du lịch, ông Phạm Văn Thủy cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Đó là nhận thức của các cấp các ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển….

“Để tháo gỡ những khó khăn hạn chế trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Nguyễn Văn Thủy nêu.

Luật Du lịch cần phù hợp với thực tế

Tại hội nghị, cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã đóng góp cho Luật Du lịch 2017. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, sau khi Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực, các địa phương đã chủ động hướng dẫn triển khai Luật Du lịch trên địa bàn. Bên cạnh những tác động tích cực và hiệu quả của Luật Du lịch 2017 đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, thực tiễn thi hành pháp luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia, một số nội dung chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nên các địa phương khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn thực hiện như: Mô hình kinh tế du lịch chia sẻ; bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch; hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật khác có liên quan như: chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

Một số nội dung Luật Du lịch năm 2017 chưa điều chỉnh gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư như: chưa điều chỉnh đối với các đơn vị kinh doanh theo mô hình khu, điểm du lịch; chưa quy định về phân cấp quản lý nhà nước về du lịch cho UBND và cơ quan chuyên môn cấp huyện; chưa điều chỉnh loại hình kinh doanh phức hợp...

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, quy định trong Luật liên quan đến “Chính sách phát triển du lịch” hiện chưa được thực hiện trên thực tế nên chưa thực sự huy động được mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để đảm bảo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các điều kiện công nhận điểm du lịch cấp Thành phố, khu du lịch cấp Thành phố được quy định tại Điều 23, Điều 25 của Luật Du lịch còn mang tính chất khung, không có các tiêu chí, thang điểm cụ thể cho từng nhóm, vì vậy dẫn đến khó khăn trong việc lượng hóa khi thẩm định công nhận khu, điểm du lịch cấp Thành phố…

Tại hội nghị, lãnh đạo quản lý du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… cùng nhiều doanh nghiệp có đóng góp thiết thực cho việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2017 để tạo cơ chế pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đúng với tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TƯ.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-dieu-chinh-co-che-de-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-687923.html
Zalo