Cần đặt dấu hỏi khi ứng viên GS,PGS đăng liên tiếp nhiều bài báo trên 1 tạp chí

Có đề xuất, ứng viên xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư cần dịch bài báo quốc tế ra tiếng Việt, kèm hồ sơ để Hội đồng Giáo sư các cấp thẩm định chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Luật học, bên cạnh những ưu điểm của Quyết định số 37 so với những quy định trước đó, vẫn cần có điều chỉnh, vì tính chất riêng biệt của từng lĩnh vực khoa học.

Cần đánh giá thực chất các công bố quốc tế

Chia sẻ về vấn đề công bố khoa học đối với các ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh - nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết:

“Chúng ta cần đánh giá thực về chất lượng của công bố quốc tế thay vì chỉ xem xét công bố này có được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus hay không? Đôi khi, chúng ta có phần coi trọng các bài báo được đăng quốc tế hơn các bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước. Dù tính khoa học, tính thực tiễn của những bài báo quốc tế này vẫn cần phải xem xét lại, đánh giá khách quan.

Do đó, theo tôi, ứng viên xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư cần dịch bài báo quốc tế ra Tiếng Việt kèm theo hồ sơ để Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, Hội đồng Giáo sư Nhà nước thẩm định. Bài viết đó không chỉ được quốc tế quan tâm mà còn phải có giá trị lý luận, thực tiễn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học pháp lý trong nước.

Đồng thời, cách làm trên cũng sẽ hạn chế việc ứng viên “chạy” bài báo, bỏ tiền để được đăng bài trên tạp chí quốc tế, hướng đến đảm bảo hơn tính liêm chính học thuật. Cùng với đó, chúng ta cũng cần quan tâm, phát triển hệ thống tạp chí chuyên ngành trong nước. Các tạp chí nâng cao chất lượng bằng việc đưa ra các tiêu chí, điều kiện khắt khe hơn”.

Bàn luận thêm về hiện tượng ứng viên đăng liên tiếp nhiều bài trên 1 tạp chí, đặc biệt là vào những năm cuối trước nộp hồ sơ chức danh giáo sư, phó giáo sư, thầy Vinh bày tỏ, để công bố 1 công trình khoa học đòi hỏi nhà nghiên cứu phải trăn trở, thực hiện trong khoảng thời gian dài nên cũng cần phải đặt dấu chấm hỏi với những trường hợp thậm chí 1 tháng có 2 bài trở lên đăng trên 2 tạp chí.

Muốn xem xét tính khoa học và khả năng nghiên cứu của ứng viên phải đánh giá cả quá trình, không phải chỉ nhìn vào thời gian cuối để đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư với số lượng bài công bố một cách dồn dập.

Ngoài ra, Quyết định số 37 đã cho phép thay thế bài báo quốc tế uy tín bằng sản phẩm khoa học khác ví dụ như sách chuyên khảo, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh, để xuất bản một cuốn sách chuyên khảo tại các nhà xuất bản uy tín không đơn giản, đòi hỏi tác giả phải nghiêm túc nghiên cứu về một lĩnh vực, một chủ đề. Bởi vậy việc sử dụng để thay thế là hợp lý.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét chất lượng của những sản phẩm quy đổi này, không nên chỉ đề cập đến một cách chung chung.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh - nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh - nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn luận về vấn đề công bố quốc tế, một vị Giáo sư ngành Luật học cho biết: “American Journal of International Law là tạp chí lâu đời của Mỹ, ra đời trước Scopus và tất nhiên không nằm trong danh mục, hay Revue du droit international law, annuaire du droit international (Niên giám Luật Quốc tế của Pháp) cũng rất uy tín và không theo hệ thống phân loại của các nước Anh-Mỹ.

Ngoài ra, còn có những bài báo không thuộc Q1, Q2 nhưng lại có giá trị khoa học lớn. Vì vậy, chúng ta cũng cần xem xét cẩn trọng chất lượng của công trình. Ứng viên cần phải đưa ra nhận xét phản biện của tạp chí để chấp nhận đăng, còn nếu bây giờ chúng ta chỉ xét việc bài báo có thuộc tạp chí trong danh mục Scopus hay không thì rất dễ xảy ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Đề cập thêm về vấn đề liêm chính học thuật, vị chuyên gia bày tỏ: “Chúng ta cần căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ, khi sản phẩm khoa học được công bố, được công nhận chính thức sẽ được nhận sự bảo vệ, còn nếu chỉ dựa vào ý tưởng để tranh luận là không đúng.

Nếu tác giả có sử dụng, tham khảo bài viết của người khác phải có trích dẫn, tuyệt đối không được xem là hiển nhiên, sẵn có, dùng chung. Bản thân các ứng viên, các nhà khoa học phải xác định đúng được tầm quan trọng của liêm chính học thuật”.

 Ảnh minh họa: Hồng Linh.

Ảnh minh họa: Hồng Linh.

Phải có cơ chế thu hút giảng viên xuất sắc gắn với bổ nhiệm

Nhằm tạo thuận lợi để thu hút, tuyển dụng giảng viên xuất sắc gắn với bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trong và ngoài nước, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024 khẳng định, không có giảng viên xuất sắc, khó có giáo sư, phó giáo sư tốt về nghiên cứu và giảng dạy.

Do đó, khâu then chốt là làm thế nào để thu hút, tuyển dụng được giảng viên xuất sắc gắn bó với cơ sở đại học. Ở đây, thiết nghĩ cần quan tâm ở 2 cấp độ:

Thứ nhất, là ở cấp độ cơ sở đại học. Thực tế, rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực pháp luật, được đào tạo ở nước ngoài nhưng lại không mặn mà với nghiên cứu và giảng dạy đại học vì thu nhập không cao và môi trường làm việc không tốt bằng môi trường khác như các công ty luật. Vì vậy, cơ sở đại học cần có chính sách ưu đãi về tài chính (từ lúc tuyển dụng đến khi làm việc) và môi trường làm việc (như giảm bớt công việc hành chính để tập trung vào khoa học và giảng dạy).

Thứ hai, là ở cấp độ quốc gia. Cơ sở đại học khó có thể thu hút được người tài nếu môi trường chung và chính sách chung không thuận lợi cho các nhà khoa học. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những thay đổi đáng mừng cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cần mạnh mẽ, triệt để hơn để thúc đẩy những nhà khoa học làm việc cho cơ sở đại học.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội quy định: “Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân” nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “nhiệm vụ khoa học và công nghệ” nào liên quan đến nhà khoa học được hưởng ưu đãi về tài chính và việc hiểu theo nghĩa hẹp khái niệm này sẽ là một dạng rào cản những nhà khoa học làm việc cho cơ sở đại học.

"Chúng ta khuyến khích công bố quốc tế và việc này đang dẫn đến tính trạng “tôn vinh” quá nhiều các tạp chí nước ngoài thuộc danh mục Web of Science/Scopus mà chưa thực sự phát triển các tạp chí do chúng ta làm chủ. Về lâu dài, nên có đầu tư mạnh mẽ để các tạp chí của chúng ta phát triển, có uy tín trên thế giới và việc này rất cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" - thầy Đại nói thêm.

Chia sẻ về những góp ý sửa đổi Quyết định 37, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại cho biết: "Trong mối quan hệ với Quyết định số 37, chúng ta suy nghĩ thêm về triết lý tổng thể trong việc xét công nhận giáo sư/phó giáo sư.

Ở nước ngoài, ví dụ như Pháp, thừa nhận ai đó là giáo sư thường theo triết lý là để người được công nhận là giáo sư cống hiến nhiều trong khoa học đối với phần còn lại của sự nghiệp nên nhà khoa học trở thành giáo sư thường rất trẻ, khoảng 30 đến 35 tuổi (những ứng viên cao tuổi thường khó có cơ hội để vượt qua các kỳ thi để trở thành giáo sư ngành Luật tại Pháp).

Trong khi đó độ tuổi trở thành giáo sư ngành Luật học ở Việt Nam thường rất cao, thậm chí gần về hưu hay về hưu rồi mới nghĩ tới làm hồ sơ xét giáo sư. Cá nhân tôi thấy triết lý như vừa nêu của Pháp là thuyết phục và rất mong Quyết định số 37 tham khảo thêm triết lý này.

Bên cạnh đó, thực tế, có nhiều tạp chí ở nước ngoài rất uy tín, việc đăng bài ở đó là khẳng định vị thế khoa học nhưng vì tạp chí đó có truyền thống riêng nên không vào danh mục Web of Science/Scopus và không phải tạp chí nào thuộc danh mục Web of Science/Scopus cũng thực sự uy tín.

Bởi vậy, Quyết định số 37 không nên quá tập trung vào tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus và nên sửa theo hướng ghi nhận cả tạp chí quốc tế uy tín không thuộc danh mục Web of Science/Scopus.

Ngoài ra, Quyết định số 37 đã cho phép thay thế bài báo quốc tế uy tín bằng sản phẩm khoa học khác như sách chuyên khảo nhưng số lượng bài báo có thể được thay thế còn hạn chế.

Trước việc có ngành được miễn hoàn toàn về yêu cầu công bố quốc tế (do khó đăng bài quốc tế) và trước khó khăn công bố quốc tế trong lĩnh vực pháp luật (do pháp luật có tính lãnh thổ rất cao và tạp chí quốc tế uy tín ở nước ngoài ít quan tâm đến pháp luật Việt Nam), chúng ta nên theo hướng tăng số lượng bài báo quốc tế uy tín có thể được thay thế bằng sản phẩm khoa học khác là sách chuyên khảo".

 Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024. Ảnh: NVCC.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024. Ảnh: NVCC.

Góp ý cho Quyết định số 37, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh nói: “Quyết định 37 là khung quy định chung áp dụng cho tất cả các ngành, mặc dù đã có những chỉ dẫn riêng cho một số ngành như khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao nhưng vẫn cần rà soát, xem xét tính phù hợp của quy định với đặc thù mỗi lĩnh vực. Có nên chăng, bên cạnh Quyết định số 37, chúng ta cần có thể có thêm những hướng dẫn riêng cho từng ngành?”.

Cùng chia sẻ về vấn đề thu hút, tuyển dụng giảng viên, thầy Vinh đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy hơn nữa việc thu hút, tuyển dụng các nhà khoa học có trình độ từ nước ngoài.

"Nếu chúng ta chỉ thu hút phó giáo sư, giáo sư trong nước, chuyển đổi từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác về bản chất không có quá nhiều sự thay đổi. Thực tế, có rất nhiều nhà khoa học có trình độ cao của chúng ta sau thời gian học tập ở nước ngoài không quay trở về nước làm việc. Để tránh tình trạng "chảy máu chất xám", chúng ta phải có cơ chế, chính sách về điều kiện làm việc và đãi ngộ tương xứng với họ.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các giáo sư, phó giáo sư phụng sự suốt đời cũng cần có chính sách đột phá và quyết liệt nhằm thúc đẩy, cho họ động lực cống hiến. Để có được một giáo sư, phó giáo sư không dễ nhưng chúng ta lại không tạo được điều kiện để họ phát huy toàn bộ năng lực sẽ rất lãng phí" - thầy Vinh nói.

Trước đề xuất, Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn còn cần trao cho trường đại học quyền xem xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Vinh cho biết, mô hình này đã được các nước phát triển áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều kiện còn hạn chế. Mặc dù vậy, cũng nên nghiên cứu, cần phải có một thời kỳ tiếp cận dần dần.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, vị Giáo sư ngành Luật học bày tỏ: “Theo tôi, chúng ta nên giao việc xét và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học vì họ là những người đã tiếp xúc với ứng viên, hiểu năng lực của ứng viên.

Tất nhiên, trách nhiệm giải trình của các nhà trường phải cao hơn. Đơn vị cần công khai với xã hội về kết quả nghiên cứu của tất cả các ứng viên. Nhà giáo cần phấn đấu để đáp ứng tiêu chuẩn, được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Hàng năm nhà trường có kiểm tra, kiểm soát, nếu giáo sư, phó giáo sư không nỗ lực sẽ bị bãi nhiệm. Đây không phải là bổ nhiệm chức danh trọn đời”.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-dat-dau-hoi-khi-ung-vien-gspgs-dang-lien-tiep-nhieu-bai-bao-tren-1-tap-chi-post250582.gd
Zalo