Cần đảm bảo an toàn tuyệt đối kho phim- nơi lưu trữ các tác phẩm điện ảnh, tư liệu về lịch sử- di sản tư liệu quý của quốc gia, dân tộc
Sáng 25/9, tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ VHTTDL và đại diện các ban, ngành Trung ương đã tham dự buổi lễ.
Cách đây 45 năm, ngày 22/9/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 343-CP thành lập Viện Tư liệu phim Việt Nam (nay là Viện Phim Việt Nam) thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác, phổ biến các tư liệu điện ảnh.
Sự kiện này không những đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác lưu trữ hình ảnh động tại Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với giá trị của phim lưu trữ - di sản văn hóa hình ảnh động quốc gia.
Những ngày đầu thành lập, Viện Tư liệu phim Việt Nam gặp muôn vàn gian khó, không có trụ sở làm việc và kho phim cố định; điều kiện bảo quản thô sơ, lạc hậu; chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam đang diễn ra khốc liệt, tư liệu điện ảnh do Viện quản lý luôn nằm trong tình thế cấp bách phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi, từ ATK Tuyên Quang tới kho H79 Đà Lạt.
Năm 1989, sau 10 năm thành lập (ngày 22/9/1989), Viện Tư liệu phim Việt Nam chính thức có trụ sở riêng tại 115 Ngọc Khánh (nay là 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Phim tư liệu, vật liệu gốc được quy về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản, lưu trữ điện ảnh trong cả nước.
Năm 1991, Viện Tư liệu phim Việt Nam được đổi tên thành Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam. Quy mô hoạt động của Viện được mở rộng, đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận điện ảnh và sản xuất phim được hình thành, phát triển đến ngày nay.
Năm 2003, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam được đổi tên thành Viện Phim Việt Nam (viết tắt là VFI).
Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, theo thời gian, Viện đã từng bước khẳng định vị thế là đơn vị có điều kiện kho bảo quản phim tốt nhất trên cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Viện đang lưu giữ và bảo quản hàng triệu mét phim tư liệu, tài liệu quý hiếm của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bộ sưu tập gồm gần 20 nghìn tên phim, tương đương hơn 80 nghìn cuốn phim 16mm và 35mm, hàng chục nghìn băng video các loại được bảo quản trong kho của Viện tại Hà Nội và TP.HCM…
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Việt Nam cho biết, đến nay đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Viện Phim Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà đội ngũ thế hệ đi trước để lại với 3 nhiệm vụ chính: lưu trữ, nghiên cứu và giới thiệu, khai thác di sản điện ảnh. Trong thời gian tới, TS. Ngô Phương Lan mong muốn được hợp tác với Viện Phim Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt với mảng nghiên cứu thông qua các công trình, cuốn sách.
"Điện ảnh Việt Nam đã tròn 70 năm với nhiều thành tựu lớn lao, chúng ta không thể phát triển được nếu chúng ta không kế thừa, phát huy những di sản mà chúng ta có. Chúng tôi mong muốn sẽ được phối hợp với Viện Phim Việt Nam để có công trình nghiên cứu đúng với chức năng, nhiệm vụ, thông qua đó cũng giúp cho những người làm nghề, khán giả, bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng như truyền thống văn hóa đặc sắc của đất nước ta"…- TS. Ngô Phương Lan chia sẻ.
GS.TS. Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình chia sẻ: Viện Phim Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền điện ảnh. Ngoài chức năng sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, Viện Phim Việt Nam còn có chức năng đáng trân trọng là thu hút, tập hợp nhiều tài năng điện ảnh trong công tác nghiên cứu. Nhiều cuốn sách có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu về điện ảnh được lưu trữ tại Viện Phim. "Trân trọng những đóng góp của Viện Phim trong công tác sưu tầm, bảo quản và lan tỏa những giá trị của điện ảnh Việt Nam với thế giới"- GS.TS. Trần Thanh Hiệp nhận định.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thay mặt lãnh đạo Bộ gửi đến các lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Viện phim Việt Nam qua các thời kỳ lời chúc mừng tốt đẹp.
Theo Bộ trưởng, nhìn lại lịch sử 45 năm qua, Viện Phim Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công tốt đẹp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn mới, trước những thay đổi nhanh chóng, yêu cầu ngày càng cao của công nghệ 4.0 đặt ra cho ngành điện ảnh nói chung, Viện Phim Việt Nam nói riêng cần phải đổi mới cách tiếp cận, nâng cao chất lượng hoạt động, Viện Phim Việt Nam đã có nhiều điểm sáng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Trong giai đoạn cả nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch đều đóng băng, ngành văn hóa phải chuyển hướng hoạt động, Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc trong đó có Viện Phim Việt Nam, đã có nhiều cách làm sáng tạo để bằng điện ảnh thông qua điện ảnh truyền tải, phản chiếu, đưa lên những thước phim quý của dân tộc, những sản phẩm giàu trí tuệ nhân văn mà các nghệ sĩ điện ảnh đã dầy công sáng tạo, đưa đến công chúng để góp phần giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là những "liều vắc- xin tinh thần" thông qua điện ảnh, cùng với cả nước, nhân dân vượt qua đại dịch để phát triển, kiến tạo đất nước.
Điểm sáng thứ hai cần nhìn nhận, điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, cùng với du lịch, được Đảng Nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển. Trước yêu cầu đổi mới về cách tiếp cận quảng bá, Viện Phim Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đã có sự phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các địa phương trọng điểm của điện ảnh Việt Nam, nơi có nhiều lợi thế cho sự sáng tạo và quảng bá hình ảnh quốc gia để tổ chức nhiều chương trình liên kết để phát triển du lịch- điện ảnh, tạo sức lôi cuốn, phát triển điện ảnh gắn với du lịch, quảng bá vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Thời gian qua, kết quả bước đầu cho thấy chúng ta tiếp cận, đi đúng và góp phần để du lịch Việt Nam thực sự là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước.
Điểm sáng thứ 3 mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam không chỉ thực hiện các cam kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong đó có văn hóa, với vai trò là thành viên của Liên đoàn các Viện lưu trữ Phim quốc tế và Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á- Thái Bình Dương, Viện Phim đã làm tròn trách nhiệm của mình, khẳng định được vị trí, uy tín trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực lưu trữ hình ảnh động, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ 4, Viện Phim đã tập trung để nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận với Khoa học ứng dụng, sáng tạo, đảm nhận các đề tài khoa học cấp Bộ, đơn vị. Các nghiên cứu đã cung cấp cho Lãnh đạo Bộ những luận cứ khoa học để hoạch định các chính sách về phát triển ngành điện ảnh nước nhà.
Những thành tựu trong chặng đường 45 năm, có thể thấy, Viện Phim đã có bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Những thành quả đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận; được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng quá trình phấn đấu và những thành tích mà Viện Phim đã đạt được trong 45 năm qua.
Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới, nhiệm vụ mà Viện Phim cần hướng tới là phát triển theo hướng tiếp cận với tương lai tươi sáng hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh mong muốn cụ thể thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, đó là cả dân tộc của chúng ta phải bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên phát triển của đất nước với nhiều nội hàm, nhiều thành tố được BCH thảo luận và nhất trí thông qua, lấy ý kiến của nhân dân để quyết nghị tại Đại hội XIV sắp tới.
"Trong quá trình phát triển đó Đảng ta tiếp tục khẳng định văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng, làm sâu sắc hơn các nội hàm về hệ thống lý luận, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của văn hóa là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm, là động lực phát triển bền vững của đất nước. Ngành điện ảnh và Viện Phim càng cần cố gắng nhiều hơn trong bối cảnh này. Mong Viện Phim trên tinh thần gạn đục khơi trong, nhìn nhận những ý kiến gợi mở cho sự phát triển trong chặng đường sắp tới"- Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng đề nghị, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Viện cần tập trung làm tốt hơn vấn đề nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, các chủ trương pháp luật đã được Quốc hội, Nhà nước ban hành, đặc biệt là Luật Điện ảnh. "Trong quá trình triển khai, phát hiện những điểm nghẽn, những vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện để có những kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, Viện phim cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ để tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề phổ biến phim, nhất là phim Nhà nước đặt hàng để đảm bảo các tác phẩm điện ảnh có giá trị được đưa đến công chúng cả nước. Khắc phục điểm nghẽn này là tạo động lực tốt cho điện ảnh, Viện Phim phát triển tốt hơn"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu, về chuyên môn, việc bảo quản lưu trữ là nhiệm vụ chính, Viện Phim cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối kho phim nơi lưu trữ các tác phẩm điện ảnh, tư liệu về lịch sử, tư liệu về hình ảnh động. Đây là những di sản tư liệu quý của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Không được phép để hư hỏng, thất thoát, mất mát, đặc biệt chú ý phòng chống cháy nổ. Đồng thời kịp thời đề xuất Lãnh đạo Bộ các giải pháp số hóa nhằm lưu giữ những bộ phim quý, sử dụng lâu dài cho thế hệ mai sau.
Cần tiếp tục nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học ứng dụng để tiếp tục cung cấp các luận cứ cho Lãnh đạo Bộ hoạch định các chính sách thuộc về điện ảnh trong thời gian tới; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, huy động thêm các nguồn lực giúp Viện hoàn thành nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, vị thế Việt Nam ra trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện các yêu cầu đó, hơn bao giờ hết, Viện Phim phải xây dựng nội bộ đoàn kết, đội ngũ viên chức có tâm, có tầm, tinh thông nghiệp vụ, yêu mến "ngôi nhà chung", nỗ lực cống hiến, quản trị tốt đơn vị để thực sự xây dựng Viện Phim vững mạnh.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, Viện Phim sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của lĩnh vực VHTTDL của đất nước, của điện ảnh Việt Nam đồng thời đề nghị các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ tăng cường phối hợp, chủ động đề cao trách nhiệm để hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích chung của ngành điện ảnh Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng mong các nhà nghiên cứu, người yêu mến điện ảnh tiếp tục đóng góp cho Viện Phim và Bộ để thực hiện trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng khen cho Viện Phim Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2019-2024./.