Căn cứ mật của biệt động Sài Gòn

Quán Nhan Hương từng là cơ sở của Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định, phiên hiệu F100. Điều đặc biệt là nơi đây nằm rất gần các cơ quan đầu não địch.

 Ông Nguyễn Văn Thân (bên trái) và anh Trần Văn Phùng (bên phải) giới thiệu về những cán bộ đã hoạt động tại quán Nhan Hương năm 2022. Ảnh: Đức Huy.

Ông Nguyễn Văn Thân (bên trái) và anh Trần Văn Phùng (bên phải) giới thiệu về những cán bộ đã hoạt động tại quán Nhan Hương năm 2022. Ảnh: Đức Huy.

Không tìm hiểu lai lịch, không gọi nhau bằng tên họ, không nhìn thấy mặt, đó là cách những người tình báo Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định F100 hoạt động. Họ có thể là một người luật sư, một nhà thầu khoán, thậm chí một cán bộ của quân ta cài vào trong hàng ngũ địch. Bằng những ám hiệu, họ trao đổi thông tin với nhau tại địa chỉ đỏ mang tên quán Nhan Hương.

Lớp vỏ bọc hoàn hảo

F100 là lực lượng đặc biệt hoạt động trong lòng địch dưới sự dẫn dắt của Đại tá Tư Chu. Trong cuốn sách Biệt động Sài Gòn (Nhà xuất bản Trẻ), Đại tá Tư Chu viết rằng ba nhiệm vụ chính của lực lượng F100 là: Thường xuyên tổ chức các trận đánh theo hướng thối động (kinh động, bất ngờ) nhằm diệt sinh lực quan trọng của địch, trực tiếp và bí mật chuẩn bị để hướng tới một cuộc tập kích lớn chiếm cơ quan đầu não địch, từng bước huấn luyện quân.

Để tránh sự theo dõi của địch và thực hiện mục tiêu ba hóa (công khai hóa, nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa), quán Nhan Hương đã được chọn là nơi để giao nhận các tài liệu, nuôi giấu biệt động của lực lượng F100.

Khung cảnh được phục dựng bên trong quán Nhan Hương hiện tại. Ảnh: Đức Huy.

Khung cảnh được phục dựng bên trong quán Nhan Hương hiện tại. Ảnh: Đức Huy.

Địa chỉ đỏ này nằm giữa Thảo cầm viên, vị trí trung tâm của Sài Gòn sát gần với các cơ quan đầu não của địch. Nơi đây đã được Nguyễn Văn Tửng (SN 1913, quê Trà Vinh) thầu khoán và do bà Diệp (vợ ông Tửng) quản lý. Hàng ngày quán vẫn hoạt động buôn bán bình thường, phục vụ rất đông người dân Sài Gòn và lính ngụy lúc bấy giờ.

Một phần lợi nhuận thu được từ quán chuyển về quân khu, phần còn lại để quán duy trì hoạt động. Anh Trần Văn Phùng (cháu ruột ông Nguyễn Văn Tửng, người từng sinh sống tại quán Nhan Hương) chia sẻ: “Lúc ấy, quân ngụy hay người dân lui tới quán nhiều. Mọi người nghỉ ngơi và ăn uống thoải mái trong đây. Thế nên địch không bận để ý tới những hoạt động ngầm tại nơi đây”.

Những ám hiệu của người đưa tin

Bên cạnh anh Trần Văn Phùng, ông Nguyễn Văn Thân (Bí danh là Mười Thân, nguyên cán bộ Phòng Quân báo A54) cũng là một nhân chứng sống. Ông Thân từng hoạt động trong lực lượng F100 từ năm 1967-1969.

Trước khi quán Nhan Hương được lập ra không lâu, ông Mười Thân theo chỉ thị của cấp trên trà trộn vào hàng ngũ hải quân của ngụy quyền Sài Gòn. Sau một thời gian nhập vai, ông Mười đã thành công được thăng chức lên thiếu tá và có quyền chạm vào những tư liệu mang tính chất bí mật hơn. Mỗi khi đi họp hay được giao đi chuyển tài liệu, ông Thân đều lén dùng máy ảnh chụp lại, sau đó rửa ra và để trong một chiếc cặp da.

Theo hướng dẫn của cấp trên, ông đưa chiếc cặp đến quán và nói nhỏ với người bồi bàn kí hiệu của mình: A54 Hòa Bình. Người phục vụ cứ vậy mà đưa thức ăn, rồi đồ uống ra cho ông. Sau khi ra về, chiếc cặp bị bỏ lại dưới chân bàn của ông Mười được phục vụ cất đi rồi chuyển cho người chỉ huy.

“Một tuần tôi có thể đến 2-3 lần hoặc những lúc không cần nhiều thì một tháng đến một lần để đưa tin tức, những cái được thấy, nghe và một số tấm ảnh chụp tư liệu của quân địch. Khi đến tôi không hề biết tài liệu sẽ được gửi cho người nào, chỉ cần thực hiện đúng lệnh của cấp trên, bỏ cặp lại và ra về. Tôi cứ tiếp diễn như vậy trong một thời gian dài, cho đến năm 1969, tôi mới bị tình nghi và bắt giam rồi đày ra Côn Đảo”, ông Mười kể lại.

Không chỉ sử dụng duy nhất một cách thức truyền tin qua những cái cặp, các mật mã, ký hiệu cũng được quy định ngầm với nhau tại nơi đây. Anh Trần Văn Phùng cho biết thêm: “Sau khi ăn uống, người đưa tin sẽ nói ký hiệu của mình cho phục vụ. Nhân viên đó sẽ báo với ông Nguyễn Văn Tửng. Nếu xác nhận đúng ký hiệu, ông Tửng sẽ cử người đem một tờ giấy ra cùng đồ ăn. Tờ giấy đó là mệnh lệnh triển khai, thông tin. Mọi hoạt động chỉ vậy chứ không nói chuyện với nhau”.

Từ kế hoạch X đến ngày hòa bình lập lại

Trải qua một thời gian dài chuẩn bị, các cán bộ quán Nhan Hương dần tiến đến bước cuối của kế hoạch X, tiến tới cuộc nổi dậy tấn công vào các cơ quan đầu não địch, cùng quân giải phóng đánh gọng kìm vào Sài Gòn. Từ “địa chỉ đỏ” này, thông tin bắt đầu được chuyển tới lực lượng biệt động thành. Trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương trở thành hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ tổng tham mưu, Đại sự quán Mỹ,… làm lung lay chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Theo Đại tá Tư Chu, phần quan trọng nhất để hình thành sức mạnh của lực lượng biệt động là đội ngũ nằm trong nội thành, gồm các chiến đấu viên, các cơ sở của biệt động tại chỗ. Những người này có giấy tờ thông hành của địch, có nghề nghiệp làm bình phong hợp pháp, tồn tại thường xuyên ở địa bàn, nên có thể bảo đảm các công việc như: giao thông liên lạc, tai mắt trinh sát, nơi trú ngụ, cất giấu hay tồn trữ vũ khí lâu dài, và có lúc thì hỗ trợ hoặc tham gia chiến đấu trực tiếp...

"Đây là một đội ngũ rộng rãi, thu hút một cách có chọn lọc mọi lứa tuổi thuộc các thành phần xã hội, trên mọi miền đất nước hội tụ lại: các em bé và cụ già (thường làm liên lạc, hộp thư hay trinh sát giản đơn); các nhà tư sản dân tộc (ủng hộ kinh phí tác chiến, tác động đến con cái của họ trong ngụy quân ngụy quyền để lấy tin tức)", Đại tá Tư Chu viết trong cuốn Biệt động Sài Gòn.

 Anh Trần Văn Phùng, cháu ruột ông Nguyễn Văn Tửng, là người từng sinh sống tại quán Nhan Hương.

Anh Trần Văn Phùng, cháu ruột ông Nguyễn Văn Tửng, là người từng sinh sống tại quán Nhan Hương.

Sau ngày thống nhất hai miền, quán Nhan Hương vẫn tiếp tục duy trì buôn bán. Anh Phùng cùng gia đình mình dành ra một số tiền để gửi đến CLB Biệt động Sài Gòn của thành phố. Đến những năm 2000, quán được nâng cấp và tu sửa thành di tích lịch sử. Hiện nay, một số đoàn khách vẫn tiếp tục ghé thăm nơi đây, ông Mười Thân và anh Phùng sẽ đến giới thiệu và thuyết minh những câu chuyện lịch sử tại quán cho khách.

Anh Trần Văn Phùng vẫn còn nhớ nguyên những câu chuyện, từng đồ vật ở đây, từ máng nước sau nhà cho đến những hộc tường cất giấu vũ khí hay nơi nuôi giấu chiến sĩ. Đối với anh Phùng, quán Nhan Hương là cả một bầu trời tuổi thơ, còn với những người biệt động, nơi đây là một vùng ký ức thời hoa lửa.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/so-chi-huy-voi-vo-boc-hoan-hao-cua-nhung-nguoi-biet-dong-sai-gon-post1545623.html
Zalo