Cần công khai, minh bạch việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), sáng 18-6, các đại biểu đánh giá, qua 12 năm ban hành, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội lần này được xây dựng có bố cục gồm 6 chương, 36 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều, bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn hiện hành.
Nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án luật, các đại biểu cho rằng còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực, xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt nhất là ở các doanh nghiệp.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra dự thảo luật. Trong đó, phạm vi điều chỉnh và quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đã tính đến và cũng điều chỉnh liên quan đến một số yếu tố nhạy cảm liên quan đến người lao động có yếu tố nước ngoài.
Đại biểu Phan Viết Lượng đồng tình với Ủy ban Xã hội của Quốc hội là cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phải cần xin ý kiến rộng rãi, đặc biệt là đối với cơ quan có thẩm quyền. Nếu các lần xin ý kiến nhận được sự đồng tình với dự thảo, đại biểu đề nghị việc quy định về quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải có điều kiện chứ không phải là mặc định, không phải đương nhiên tổ chức nào cũng có thể gia nhập và có quyền hoạt động trong hệ thống công đoàn Việt Nam được. Người muốn tham gia phải tự nguyện và phải cam kết thực hiện những điều kiện, những quy định của Nhà nước Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn.
Về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, trong dự thảo có bổ sung về công đoàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị nên cân nhắc nội dung bổ sung này. Bởi vì đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hiện nay quy định pháp luật cũng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và trên thực tế cũng chưa có. Vì vậy, đưa vào luật thời điểm này khá khiên cưỡng, chưa đầy đủ căn cứ để khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả. Nếu chúng ta muốn dự liệu, muốn có tầm nhìn thì có thể theo hướng giao cho Chính phủ quyền này khi mà hệ thống pháp luật hoàn thiện. Nếu an toàn hơn nữa thì có thể quy định vào luật một số nguyên tắc nhất định đối với tổ chức công đoàn của loại hình đơn vị hành chính đặc biệt, sau đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
Về vấn đề quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn, đại biểu Phan Viết Lượng nhất trí tiếp tục duy trì nguồn kinh phí công đoàn 2%. Bởi, quy định này ổn định từ rất nhiều năm và cũng đã đảm bảo trong thực tiễn nhằm chăm lo cho đời sống, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tuy vậy, đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá thật đầy đủ về tình hình thu, quản lý, sử dụng của khoản kinh phí này thời gian qua như thế nào cung cấp cho đại biểu Quốc hội. Trong luật cũng cần có những quy định về định kỳ báo cáo quản lý thu và quản lý, sử dụng quỹ. Khi thực hiện công khai, minh bạch thì những người tham gia đóng quỹ cũng yên tâm và quá trình sử dụng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn; đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW".
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang
“Người lao động mong muốn sau khi luật ban hành, tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn có thêm điều kiện và có thêm nguồn lực để thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi cho người lao động; trách nhiệm của công đoàn trong phối hợp xử lý vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, vì công đoàn không thể đứng ngoài cuộc vấn đề này”, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị.