Cần có thêm hỗ trợ tài chính để GV yên tâm luân chuyển đến vùng khó khăn
Việc luân chuyển giáo viên đã mang lại một số kết quả tích cực cho giáo dục vùng khó khăn. Dù vậy, quá trình triển khai vẫn tồn tại không ít bất cập.
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong giai đoạn tiếp theo là "nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn".
Những năm qua, với nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên lên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, việc điều động, luân chuyển giáo viên đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc “đi dễ, về khó” vẫn luôn là nỗi niềm của nhiều giáo viên từ vùng thuận lợi luân chuyển đến vùng khó khăn.
Cần có thêm chính sách để giáo viên yên tâm luân chuyển đến vùng khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Nụ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) nhận định, việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương là một chính sách quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.
Trước hết, một trong những khó khăn lớn nhất mà các trường học ở vùng sâu, vùng xa gặp phải là sự thiếu hụt giáo viên trầm trọng. Mặc dù chỉ tiêu biên chế được phân bổ cho các trường theo quy định của Nhà nước nhưng thực tế lại khó có thể đạt được như mục tiêu đề ra.
“Chẳng hạn, đối với Trường Tiểu học Quảng Lâm có 43 lớp, với hệ số 1,5 giáo viên trên mỗi lớp, lẽ ra tổng số giáo viên cần thiết là khoảng 65 người. Tuy nhiên, biên chế thực tế được giao cho trường chỉ là 63 người và con số này đã bao gồm cả các cán bộ quản lý. Điều đó dẫn đến việc thiếu hụt giáo viên trực tiếp giảng dạy, gây ra áp lực lớn cho những giáo viên hiện tại. Những thầy cô này buộc phải gánh thêm nhiều lớp, giờ dạy, trong khi không được hỗ trợ thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào cho giờ làm việc thêm”, cô Nụ nêu quan điểm.
Về mặt tích cực, cô Nụ nhận định, chính sách luân chuyển giáo viên từ các địa phương khác đến có thể giúp họ trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn. Đồng thời, giáo viên khi được điều động đến các vùng sâu, vùng xa sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau, từ đó giúp họ phát triển thêm kỹ năng và kinh nghiệm sư phạm.
Tuy nhiên, về mặt cá nhân, không ít giáo viên cảm thấy lo ngại khi phải chuyển công tác xa nhà, đặc biệt là khi điều kiện sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Do đó, giáo viên có thể bị ảnh hưởng về cuộc sống gia đình và tinh thần làm việc, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên không muốn tham gia vào các chương trình luân chuyển.
Trong khi đó, thầy Nông Thế Huân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nhận định, việc điều động giáo viên giữa các địa phương xuất phát từ tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là ở vùng cao và đối với các môn học mang tính chuyên biệt.
Thầy Huân nhấn mạnh, trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, vấn đề thiếu hụt giáo viên giữa các môn học là một vấn đề nan giải. Đối với nhà trường, giáo viên dạy các môn Toán và Tiếng Anh rất khan hiếm, trong khi các môn khác lại có sự dư thừa, dẫn đến khó khăn lớn trong việc đảm bảo đủ giáo viên để phân công giảng dạy cho tất cả các lớp.
Tuy nhiên, nhà trường đã được hỗ trợ thông qua việc biệt phái giáo viên từ các trường khác đến trong khoảng thời gian từ một kỳ đến một năm, giúp giảm bớt áp lực trong thời gian ngắn. Dù vậy, đây không phải là giải pháp lâu dài vì các giáo viên biệt phái cũng phải quay về trường cũ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Điều này dẫn đến tình trạng trường học phải đối mặt với vòng luẩn quẩn về thiếu hụt giáo viên.
Nhiều giáo viên được điều động đã có kinh nghiệm làm việc tại các trường khác, thường là ở khu vực đồng bằng. Do đó, họ dễ dàng hòa nhập và bắt nhịp với môi trường giảng dạy mới. Trong khi đó, nhiều giáo viên mới ra trường được tuyển dụng theo hợp đồng còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Thầy Huân cho biết thêm, nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên được điều động đến như hỗ trợ về chỗ ở trong khu nhà công vụ. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn gặp thách thức trong việc thích nghi với cuộc sống mới.
“Mặc dù chính sách điều động, luân chuyển giáo viên là cần thiết trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay, nhưng cần có thêm những giải pháp khác để giảm bớt áp lực cho giáo viên và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các địa phương. Một trong những yếu tố quan trọng là cần có những hỗ trợ về tài chính và điều kiện sống cho giáo viên khi họ chuyển đến các địa phương khó khăn, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết để đảm bảo hiệu quả của chính sách và tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ giáo dục”, thầy Huân bày tỏ.
Chia sẻ về tình hình phân bổ giáo viên, cô Nguyễn Thị Lượng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa bàn thành phố cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên. Nguyên nhân là do phân bổ giáo viên không đồng đều, có môn học thừa giáo viên, trong khi các môn khác lại thiếu nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sách luân chuyển giáo viên giữa các địa phương vẫn chưa thực sự giải quyết được triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Ngành giáo dục được chủ động nhân sự sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên
Không chỉ gặp khó khăn trong việc luân chuyển giáo viên, việc tuyển dụng giáo viên mới cũng gặp nhiều khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là quy trình tuyển dụng rườm rà và phức tạp. Cô Nụ cho rằng, để tuyển được một giáo viên mới, trường phải trải qua rất nhiều bước, từ thông báo tuyển dụng, nhận hồ sơ, xét tuyển cho đến khi có được danh sách chính thức.
Quy trình này có thể mất đến nửa năm, trong khi nhu cầu về giáo viên là cấp bách và không thể chờ đợi lâu. Do đó, nhiều trường hợp, dù đã khai giảng năm học mới, trường vẫn thiếu giáo viên, buộc phải tạm thời phân bổ giáo viên hiện có để đảm nhiệm thêm lớp.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phổ Yên nhấn mạnh, việc tuyển dụng giáo viên mới ở các môn như Tin học, Ngoại ngữ và Mỹ thuật theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một thách thức lớn với địa phương. Giáo viên dạy các môn này không chỉ thiếu về số lượng mà còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về năng lực giảng dạy, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế.
Ngoài ra, cô Lượng cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn phải nỗ lực để theo kịp sự thay đổi của chương trình và phương pháp giảng dạy mới. Nhiều giáo viên lâu năm tuy có kinh nghiệm nhưng chưa đủ kỹ năng về công nghệ để thích ứng với yêu cầu giảng dạy mới, từ đó tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các trường học trong cùng khu vực và ở thành thị.
“Chúng ta cần có những giải pháp mang tính tổng thể và lâu dài, bao gồm việc điều chỉnh lại chính sách phân bổ giáo viên hợp lý hơn, đảm bảo cân đối giữa các môn học, cũng như tăng cường đầu tư vào công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là các môn học đang thiếu trầm trọng. Đồng thời, việc khuyến khích giáo viên tham gia vào các chương trình đào tạo liên tục và có chính sách hỗ trợ tài chính cho giáo viên ở vùng khó khăn cũng cần được chú trọng hơn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phổ Yên kiến nghị.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nông Thế Huân cho biết, Trường Trung học phổ thông Đồng Văn cũng đang đối diện với thách thức là việc thiếu nguồn giáo viên để tuyển dụng, ngay cả khi nhà trường đã thông báo tuyển dụng hợp đồng.
Theo thầy Huân, Hà Giang - một địa phương miền núi với điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn cung giáo viên chất lượng là vô cùng hạn chế. Do đó, dù các trường học đã đăng thông báo tuyển dụng nhưng vẫn không thể tìm đủ giáo viên để đáp ứng nhu cầu. Đây là một trong những lý do khiến chính sách điều động giáo viên trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm tạm thời lấp đầy những vị trí trống trong các trường học vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Nhà giáo có đề cập đến việc cho phép cơ quan quản lý trực tiếp có quyền tuyển dụng giáo viên. Theo thầy Dương Thanh Trọng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, việc cho phép cơ quan quản lý trực tiếp tuyển dụng giáo viên sẽ giúp cải thiện tình hình hiện tại. Theo đó, các cơ quan quản lý có thể chủ động hơn trong việc tuyển chọn giáo viên phù hợp với nhu cầu địa phương.
Thầy Trọng nhấn mạnh, nếu đề xuất này được thông qua, chất lượng giáo dục không những được đảm bảo mà còn khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên tại các vùng miền khác nhau. Cụ thể, các cơ quan giáo dục có thể dễ dàng điều chỉnh số lượng giáo viên và chuyên môn cần thiết, đảm bảo rằng các trường học có đội ngũ giáo viên phù hợp nhất để phục vụ cho chương trình giảng dạy và nhu cầu của học sinh.
Ngoài ra, việc trực tiếp tuyển dụng cũng giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, nơi thường gặp khó khăn trong việc thu hút nhân sự. Theo đó, các cơ quan quản lý có thể thiết lập các chính sách hỗ trợ, khuyến khích giáo viên về làm việc tại các khu vực này. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục và tạo sự công bằng hơn trong việc phân phối nguồn lực giáo dục.
Tuy nhiên, thầy Trọng cũng cho rằng, việc triển khai chính sách này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, các quy định cần được công khai rõ ràng về tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Đồng thời, để triển khai hiệu quả, Nhà nước cần có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng và nguồn lực để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ mới.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nụ nhận định, đề xuất này giúp các trường có thể linh hoạt trong việc tuyển chọn giáo viên phù hợp với nhu cầu cụ thể thay vì phải chờ đến khi các cấp cao hơn phê duyệt và điều động giáo viên. Bởi nhà trường hiểu rõ nhất về nhu cầu giáo viên đang thiếu hụt và nếu được trao quyền tuyển dụng trực tiếp, họ sẽ có thể chọn lọc những giáo viên chất lượng hơn, đáp ứng đúng yêu cầu chuyên môn. Nếu đề xuất được thông qua, nhà trường không chỉ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên kịp thời mà còn đảm bảo các giáo viên được tuyển chọn sẽ phù hợp với đặc thù của từng địa phương.