Hành trình của cựu sinh viên Quốc Tế Học đến 'xứ sở Bạch Dương'

Lê Viết Hiếu - cựu sinh viên khoa Quốc tế học chuyên ban Châu Âu học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQGHN - là một trong những sinh viên xuất sắc được nhà nước cử đi học ở nước ngoài khi giành được Học bổng toàn phần liên Chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga bậc học thạc sĩ giai đoạn 2024-2027 tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga.

Từ giảng đường Quốc tế học khơi dậy đam mê nghiên cứu

Trong kỷ nguyên phát triển không ngừng, khi các vấn đề toàn cầu ngày càng nhận được nhiều sự chú ý, các bạn trẻ có nhiều lựa chọn cho con đường đại học của mình. Với Hiếu, niềm đam mê tìm hiểu văn hóa và chính trị của các quốc gia đã dẫn dắt anh đến với ngành Quốc tế học, nơi anh đã dành bốn năm thanh xuân để khám phá và phát triển. Chính ngành học này đã khơi dậy trong Hiếu tình yêu với nghiên cứu và định hướng cho anh học cao hơn. Tại đây, Hiếu không chỉ được tiếp cận với kiến thức chuyên sâu về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, mà còn nuôi dưỡng tinh thần “Học quốc tế hiểu Việt Nam”.

Hiếu và PGS.TS Bùi Hồng Hạnh - giảng viên hướng dẫn khóa luận.

Hiếu và PGS.TS Bùi Hồng Hạnh - giảng viên hướng dẫn khóa luận.

Hiếu đã nhen nhóm tình yêu với "xứ sở Bạch Dương" sau khi có cơ duyên bốc trúng chủ đề thuyết trình về nước Nga trong môn học “Các cường quốc Châu Âu” của PGS.TS Bùi Hồng Hạnh giảng dạy. Đây là dịp để Hiếu tìm hiểu sâu sắc về đất nước Nga, mở ra một niềm đam mê mới trong hành trình học hỏi và nghiên cứu của anh. Đây cũng là dịp Hiếu được tìm hiểu bài bản và cặn kẽ hơn về nước Nga qua góc nhìn “đất nước học” cũng như biết được thông tin về học bổng Chính phủ Liên bang Nga. Có lẽ chính vì được truyền cảm hứng từ những giảng viên tâm huyết của khoa Quốc tế học, Hiếu càng tự tin cho quyết định lên dây cót chinh phục bậc cao học tại “xứ sở Bạch Dương” vô cùng thơ mộng này.

Trải nghiệm học tập và cuộc sống tại Nga

Hiếu đến với “xứ sở Bạch Dương” với tâm thế được sống trong giấc mơ của chính mình. Là một người yêu thích nghệ thuật, những tên tuổi nổi tiếng như nhà văn Lev Tolstoy, Fyodor Dostoevsky, nhạc sĩ Tchaikovsky, và những vở ballet của nhà hát Bolshoi và Mariinsky đã từng khiến Hiếu say mê, tìm hiểu nay cậu đã đặt chân đến vùng đất sản sinh ra những vĩ nhân của thời đại. Điều này đã khiến Hiếu như được sống trọn vẹn và hòa mình vào thế giới của chính mình.

Khi sang Nga, Hiếu có một thời gian tham gia vào lớp học dự bị tiếng Nga. Đây là khoảng thời gian Hiếu vô cùng biết ơn và ngưỡng mộ bởi sự tận tình và tâm huyết của các giảng viên trong trường. Việc học thứ ngôn ngữ khó nhằn này được lồng ghép bởi các kiến thức khoa học xã hội và được chính giảng viên dẫn đi thực nghiệm những công trình văn hóa, nghệ thuật tại các bảo tàng lớn khiến mỗi giờ học đối Hiếu luôn là những tiết học thoải mái, vui vẻ.

Hiếu được thầy giáo chỉ bài trong giờ học tiếng Nga.

Hiếu được thầy giáo chỉ bài trong giờ học tiếng Nga.

Học tập tại Nga, Hiếu có cơ hội được nghiên cứu tại một đất nước là một cường quốc với góc nhìn đặc biệt về quan hệ quốc tế, địa chính trị và sự phân cực toàn cầu. Với những điều kiện lý tưởng trên, Hiếu học được cách tiếp cận đa chiều về các vấn đề toàn cầu, không chỉ từ quan điểm phương Tây mà còn từ góc nhìn Nga và khu vực Á-Âu.

Hiếu (bên phải qua) trong một tiết học tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga.

Hiếu (bên phải qua) trong một tiết học tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga.

Học tập tại một ngôi trường quốc tế có nhiều du học sinh như Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga, Hiếu có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn du học sinh đến từ nhiều khu vực trên thế giới. Không chỉ đơn thuần làm quen với tiếng Nga, Hiếu còn được học hỏi thêm nhiều ngôn ngữ mới. Đơn cử như việc Hiếu chia sẻ: “Giáo viên của mình ngoài dạy học bằng tiếng Nga còn sử dụng tiếng Pháp và tiếng Anh trong quá trình giảng dạy. Do đó, đây là cơ hội để mình có thể phát triển vốn ngoại ngữ cả về giao tiếp hàng ngày lẫn thuật ngữ chuyên ngành.” Ngoài ra, trong những giờ nấu ăn tại bếp chung của ký túc xá Hiếu cũng hay bắt chuyện với các bạn quốc tế để làm quen và cải thiện tiếng Nga, tiếng Anh.

Rèn luyện tinh thần tự lập cho bản thân

Khi rời xa quê hương Việt Nam, điều Hiếu phải làm quen trong những ngày tháng xa nhà đó chính là tính thích nghi và tự lập. Phong cách học tập và một nền văn hóa khác biệt thì tính tự lập đã giúp Hiếu cân bằng cuộc sống, chủ động tìm hiểu để thích ứng với một môi trường hoàn toàn mới. Hiếu đã học cách nấu sau mỗi giờ học ở trên trường, chăm sóc bản thân và dành thời gian cho những mối quan hệ gia đình, bạn bè xung quanh.

Hiếu (thứ ba, tính từ bên phải qua) cùng những người bạn học của mình trong một chuyến đi chơi.

Hiếu (thứ ba, tính từ bên phải qua) cùng những người bạn học của mình trong một chuyến đi chơi.

Điều khiến Hiếu tự tin khi sinh sống tại “xứ sở Bạch Dương” là được đem bản sắc Việt Nam. Tinh thần đó đã giúp Hiếu mong muốn được có cơ hội học tập nghiên cứu để phụng sự đất nước. Khi được có cơ hội là một trong những người xuất sắc được nhà nước cử đi học ở nước ngoài, Hiếu coi đây là sứ mệnh cho việc bản thân phải mạnh dạn chia sẻ những nét đẹp văn hóa, phong tục và con người Việt Nam. Đó cũng là cách Hiếu động viên chính mình phải cố gắng học tập chăm chỉ, là cách cậu thêm yêu quê hương với những món ăn ngon như bún bò, phở, nem cuốn,... và xoa dịu nỗi nhớ gia đình.

Hiếu (thứ ba, hàng trên, tính từ phải qua) mạnh dạn giao lưu cùng các du học sinh quốc tế.

Hiếu (thứ ba, hàng trên, tính từ phải qua) mạnh dạn giao lưu cùng các du học sinh quốc tế.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Hiếu trước mắt sẽ phấn đấu hoàn thành thật tốt chương trình cao học tại Nga và theo đuổi hướng nghiên cứu chính sách đối ngoại nữ quyền và các vấn đề tôn giáo, giới, an ninh phi truyền thống trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Hiếu có mong muốn trở thành một giảng viên đại học trong tương lai không xa. Tin rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hiếu sẽ sớm chạm tay đến giấc mơ của mình.

Một số thành tích nổi bật của Lê Viết Hiếu:

Học bổng toàn phần liên chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga bậc học thạc sĩ giai đoạn 2024-2027

Sinh viên đạt điểm 10 tuyệt đối khóa luận tốt nghiệp năm 2023

Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở 2022

Nguyên Ủy viên BCH CLB Tuyên truyền Văn hóa lịch sử 2020-2021

Giải Nhì cuộc thi viết “Chắp cánh ước mơ - người Việt viết” 2022

Tác giả của 2 bài báo khoa học “Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Cộng hòa Pháp” và “Chính sách đối ngoại nữ quyền của Mexico” đăng trên tạp chí Cộng sản và Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế chính trị những vấn đề đương đại”

Học bổng Đại sứ quán Úc cho khóa học “Các làn sóng nữ quyền và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 2023”

Đại biểu Chương trình “Mô Phỏng Đại Biểu Dân Cử Trẻ 2023” - Đại sứ quán Ireland và UNDP tại Việt Nam đồng tài trợ cho sáng kiến này thông qua Chương trình nghiên cứu PAPI

Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG vì đã có nhiều đóng góp trong công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2019-2020, chiến dịch tình nguyện hè 2020…

Khánh Linh - Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-cua-cuu-sinh-vien-quoc-te-hoc-den-xu-so-bach-duong-post1691360.tpo
Zalo