Cần có giải pháp mạnh với những 'bản án' thật nặng, thật nghiêm

Chưa nguôi cơn phẫn nộ sau vụ kẹo rau Kera, thông tin triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả tiếp tục tạo cơn địa chấn. Niềm tin bị phản bội, cộng đồng mạng réo rắt gọi tên nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, chuyên gia đã từng tham gia quảng cáo các dòng sữa giả đa công dụng.

Có những nhân vật bị chỉ trích gay gắt bởi sự nhẫn tâm lừa dối khách hàng.

Vụ kẹo rau Kera được cho là “án điểm”, tạo sự răn đe đối với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo. Nhưng qua vụ sữa giả này, người tiêu dùng cho rằng cần nhiều hơn những bản án thật nặng, thật nghiêm.

Hình ảnh Vân Hugo quảng cáo sữa được chia sẻ những ngày qua

Hình ảnh Vân Hugo quảng cáo sữa được chia sẻ những ngày qua

Cơn phẫn nộ kéo dài

Những từ khóa nhắc tên BTV Quang Minh, MC Vân Hugo gắn với dòng sữa Hiup, một loại sản phẩm bị lực lượng chức năng phát hiện và đang trong quá trình điều tra, xử lý, do vi phạm quảng cáo liên tục được tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều sao Việt, người nổi tiếng thổi phồng công dụng sản phẩm khi quảng cáo sữa “bẩn” khiến dư luận nổi giận. Cùng với Quang Minh, Vân Hugo còn có Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh... cũng bị dân mạng phẫn nộ nhắc tên, với nhiều bình luận trái chiều.

Theo hình ảnh được chụp lại, BTV Quang Minh và Vân Hugo từng quảng cáo cho sữa Hiup. Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh từng xuất hiện trong quảng cáo cho sữa Cilonmum, do Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối, thuộc đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả quy mô “khủng” vừa bị cơ quan chức năng phối hợp điều tra, triệt phá.

Làn sóng thông tin về gần 600 loại sữa giả mà nạn nhân chủ yếu là người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em khiến cho cộng đồng mạng không thể bình tĩnh.

Cam kết tăng chiều cao 3-5cm chỉ sau 3-6 tháng là nội dung được lặp lại nhiều lần trong các bài quảng cáo về sữa Hiup, tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội.

Hàng triệu người tiêu dùng có con đang độ tuổi lớn hẳn chưa quên những phiên quảng cáo cho dòng sữa có công dụng “có một không hai” mà Vân Hugo, Quang Minh không “tiếc lời, tiếc mặt” để chinh phục họ.

MC Vân Hugo với tư cách đại diện nhãn hàng “đóng đinh” cam kết: Con uống là cao, uống 3 tháng tăng 3cm, uống 6 tháng tăng 5cm. Không có hocmon tăng trưởng gây dậy thì sớm.

Tặng 50 triệu đồng nếu phát hiện sản phẩm có sử dụng chất cấm; hoàn hàng - trả tiền nếu phát hiện hàng giả hàng nhái; hoàn hàng - trả tiền nếu bé không hợp sữa; cam kết sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế - tiêu chuẩn FDA và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nữ MC khẳng định, hàng triệu trẻ đã và đang cải thiện chiều cao nhờ dòng sữa này. Ở một quảng cáo khác trên mạng xã hội, MC Vân Hugo khẳng định Nutri Brand IQ là dòng sữa duy nhất trên thị trường có hàm lượng Gama rất tốt cho trẻ tăng động, chậm nói.

Đây chính là bí kíp vàng cho bố mẹ thời hiện đại trong chăm sóc con cái. Lời quảng cáo khiến người tiêu dùng lầm tưởng Nutri Brand IQ như một loại thuốc điều trị trẻ chậm nói, tăng động. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những phát ngôn thiếu cơ sở của Vân Hugo.

BTV Quang Minh cũng là cái tên đang khiến cộng đồng mạng yêu cầu rõ trắng đen. Anh từng quảng cáo cho sữa Hiup với các công dụng: Dòng sữa non chuyên biệt, tăng chiều cao và phát triển cho trẻ, được sản xuất trên dây chuyền đạt chuẩn FDA.

BTV này còn chia sẻ, trong 15 năm tìm hiểu trên thị trường để tìm ra dòng sữa phù hợp nhất cho các con, gia đình rất tâm đắc với dòng sữa Hiup. Điều này đã đánh vào tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng.

Nhưng lại là “trái đắng” khi chính dòng sữa này mới đây đã bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt bởi quảng cáo “thổi phồng” công dụng. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sữa là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, việc quảng cáo uống vào hết táo bón, cam kết tăng 3-5cm chiều cao sau 3-6 tháng là không có cơ sở.

Giữa cơn phẫn nộ đỉnh điểm, cộng đồng mạng, đặc biệt là số lượng lớn người tiêu dùng mua hàng do tin tưởng người nổi tiếng đã không dừng lại ở những chỉ trích, họ còn yêu cầu đối tượng đã lạm dụng niềm tin của họ để trục lợi cần lên tiếng rõ ràng. Nhiều người còn cho rằng, chắc gì những nhân vật này đã sử dụng sản phẩm như quảng cáo họ đưa đến khách hàng.

Bát nháo nghệ sĩ, người của công chúng quảng cáo bao giờ chấm dứt

Bát nháo nghệ sĩ, người của công chúng quảng cáo bao giờ chấm dứt

Chế tài nghiêm khắc dẹp quảng cáo “bẩn”

Các chuyên gia văn hóa nhận định, cơn phẫn nộ của công chúng trước hiện tượng nghệ sĩ, người nổi tiếng vì tiền mà quảng cáo bất chấp ngày càng chất chồng. Có thể nói ở thời điểm này đã lên đỉnh điểm.

Nhìn lại thời gian trước, vô số nghệ sĩ từng “muối mặt” xin lỗi công chúng sau khi vướng ồn ào quảng cáo sai sự thật: Hoa hậu Thùy Tiên, NSND Hồng Vân, diễn viên Quyền Linh, NSƯT Cát Tường…

Công thức chung “sản phẩm + người nổi tiếng” dường như lâu nay là “con bài” quen thuộc để nhiều nhãn hàng đi ra thị trường. Hệ quả là không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã tiếp tay cho dòng chảy quảng cáo “bẩn” trên thị trường.

Đáng chú ý, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng còn đưa cả con cái, người thân cùng quảng cáo, tăng độ tin cậy và khuyên mọi người cùng mua sản phẩm.

Hành vi quảng cáo sai sự thật theo quy định hiện nay sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức. So sánh mức thù lao cho một người nổi tiếng khi quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng thì mức phạt này là con số quá nhỏ. Đây là điều bất hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều người nổi tiếng vẫn cố tình bất chấp để quảng cáo sai sự thật, vì lợi nhuận khổng lồ.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên BST sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, tôi cho rằng rất cần thiết có những giải pháp mạnh nhằm đẩy lùi vấn nạn này, đó phải là những “án phạt” thật nặng, thật nghiêm”

(Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên BST sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo cho biết, ngay thời điểm này, dự thảo Luật Quảng cáo đang tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện.

Những diễn biến thực tiễn, đặc biệt là bất cập nảy sinh từ thực trạng các nghệ sĩ, KOLS, người nổi tiếng… quảng cáo gian dối chính là cơ sở quan trọng để các thành viên BST, các chuyên gia căn cứ, xây dựng các chế tài quản lý, đủ sức răn đe.

Quảng cáo sai sự thật là vấn nạn lâu nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Cũng như một công thức, sau khi bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, đa phần người nổi tiếng chọn công khai xin lỗi, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, thực trạng này liên tiếp xảy ra, thậm chí tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc đối với người tiêu dùng. Vì lợi nhuận, các KOLs, người nổi tiếng bất chấp sự thật, bỏ qua cả vấn đề đạo đức để trở thành cầu nối đưa đến người tiêu dùng nhiều quảng cáo sai sự thật.

Ông Trường Sơn phân tích, hành vi quảng cáo sai sự thật theo quy định hiện nay sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức.

So sánh mức thù lao cho một người nổi tiếng khi quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng thì mức phạt này là con số quá nhỏ. Đây là điều bất hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều người nổi tiếng vẫn cố tình bất chấp để quảng cáo sai sự thật, vì lợi nhuận khổng lồ.

“Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên BST sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, tôi cho rằng rất cần thiết có những giải pháp mạnh nhằm đẩy lùi vấn nạn này, đó phải là những “án phạt” thật nặng, thật nghiêm”, ông Sơn nêu.

Cũng về nội dung này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2025, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho biết, trong quá trình sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, rất đúng và sát với thực tiễn.

Dự kiến luật sẽ bổ sung một số điều cụ thể nhằm chấn chỉnh hiện tượng người của công chúng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Trước hết, mỗi người tham gia vào quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng.

Mặt khác, những người của công chúng, các nghệ sĩ tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm, có xác minh một cách minh bạch, cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.

Cùng với việc sửa luật, Bộ VHTTDL cũng dự thảo Nghị định với các điều khoản điều chỉnh hoạt động người của công chúng, nghệ sĩ.

Trong đó tăng cường các mức phạt, bổ sung các chế tài xử phạt nghiêm khắc; có thể tính đến các biện pháp như cấm không cho quảng cáo, hạn chế hoạt động nghệ thuật, hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội...

Cùng với việc tăng mức xử phạt và các chế tài xử lý với người nổi tiếng vi phạm quảng cáo, theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, cần có biện pháp nâng cao hơn nữa nhận thức của người tham gia quảng cáo, cũng như nâng cao nhận thức của người dân để mọi người đều có khả năng đánh giá thật, giả về nội dung quảng cáo.

Trách nhiệm về vụ sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa bột giả?

Hôm qua 15.4, Bộ Y tế cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả. Về trách nhiệm phòng, chống thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế cho biết, quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công thương và UBND các cấp.

Bộ Y tế cũng cho biết, theo quy định, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo Bộ này, công tác hậu kiểm các sản phẩm sau công bố hết sức quan trọng. Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, hằng năm, Bộ Y tế đều xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch của mình; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền; phối hợp trong các hoạt động chuyên môn, cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan để cơ quan công an làm căn cứ khởi tố vụ án, đặc biệt trong các vụ án sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.

Hằng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các nhóm hành vi hay vi phạm... B.N

PHƯƠNG ANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/bao-chi/can-co-giai-phap-manh-voi-nhung-ban-an-that-nang-that-nghiem-128044.html
Zalo