Cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân

Thời gian qua, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hành nghề hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thường xuyên bị tàu nước ngoài ngăn cản, đập phá tài sản, gây thiệt hại nặng. Trước thực trạng này, tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi diễn ra vào chiều 5/11, ngư dân trong tỉnh kiến nghị cấp thẩm quyền có giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân khai thác, đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu kết luận tại buổi đối thoại.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu kết luận tại buổi đối thoại.

Buổi đối thoại diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Ngãi và trực tuyến tại điểm cầu huyện đảo Lý Sơn.

Tham gia tổ đội đánh bắt trên biển

Theo phản ánh của ngư dân các huyện Bình Sơn và Lý Sơn, thời gian gần đây, một số tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi khai thác hợp pháp tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị tàu nước ngoài ngăn cản, đập phá tài sản, gây thiệt hại nặng nề. Do vậy, cấp thẩm quyền có giải pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân khi hành nghề tại các vùng biển trên.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 luôn làm tốt công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, đã tổ chức xua đuổi, tuyên truyền, yêu cầu hàng trăm lượt tàu cá và tàu chấp pháp Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ Nguyễn Sáu kiến nghị cấp thẩm quyền cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ Nguyễn Sáu kiến nghị cấp thẩm quyền cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam

Trước thực trạng tàu cá Quảng Ngãi bị các tàu nước ngoài xua đuổi, tấn công, uy hiếp, lấy tài sản, đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đưa ra một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác, đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một là, nghề biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, ngư dân phải tham gia tổ đội khi đánh bắt trên biển. Các tổ đội này, ngoài cùng nhau khai thác hải sản còn kết hợp rất hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi, giữ gìn an ninh ngư trường và chủ quyền biển đảo.

Hai là, bắt buộc các tàu cá từ 15 m trở lên phải lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng có thể theo dõi, giám sát hoạt động trên biển.

Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân khi hành nghề hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân khi hành nghề hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ba là, nếu bị tàu nước ngoài, tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công, việc đầu tiên bà con phải hết sức bình tĩnh, dùng điện thoại quay phim, chụp hình, ghi lại số hiệu, hình dạng tàu. Sau đó, gửi tất cả hình ảnh và vị trí tàu đang hoạt động về cho cơ quan chức năng và gia đình để làm bằng chứng, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Song song đó, nhanh chóng phát tín hiệu cho những tàu cá trong tổ đội, tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân của ta hoặc tàu cá đang đánh bắt gần đó để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ. Trong trường hợp này, bà con không được ký bất cứ văn bản nào cho dù ép buộc. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ bằng chứng, hình ảnh mà bà con gửi về sẽ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài tấn công, đập phá tài sản khi hành nghề hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài tấn công, đập phá tài sản khi hành nghề hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với chủ quyền biển, đảo và cập nhật thông tin những phương thức, thủ đoạn mới của tàu nước ngoài tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để ngư dân chủ động đối phó, né tránh, bảo vệ tính mạng, tài sản.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Đồng thời, đề xuất các Bộ, ngành liên quan cần hiện diện nhiều hơn nữa trên các vùng biển, nhất tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhằm kịp thời hỗ trợ ngư dân gặp nạn, cũng như bị các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, thu ngư lưới cụ. Bên cạnh đó, Hội Nghề cá tỉnh, Sở Ngoại vụ đã nhiều lần kiến nghị Trung ương Hội nghề cá (nay là Hội Thủy sản), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lên tiếng phản đối lực lượng chức năng nước ngoài về hành động ngăn cản, tấn công, lấy tài sản của tàu cá, ngư dân.

Xử lý nghiêm tàu cá khai thác theo kiểu “tận diệt”

Tại buổi đối thoại, trả lời kiến nghị của ngư dân Mộ Đức và thị xã Đức Phổ về việc cần có giải pháp xử lý các đối tượng khai thác thủy sản bằng hình thức đánh mìn, dùng xung điện, tàu công suất lớn làm nghề giã cào khai thác ven bờ, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, hàng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ chủ quyền kết hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên vùng biển Quảng Ngãi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương trả lời các kiến nghị của ngư dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương trả lời các kiến nghị của ngư dân.

Kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của các sở, ngành, địa phương từ năm 2022 đến cuối tháng 10/2024 là 268 trường hợp/267 tàu, với tổng số tiền hơn 13,5 tỷ đồng.

Theo đồng chí Hồ Trọng Phương, thời gian đến, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm tàu cá khai thác thủy ven bờ gây ảnh hưởng nguồn lợi và hủy diệt nguồn lợi thủy sản, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc nổ để khai thác thủy sản.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắng, cởi mở và trách nhiệm, tại buổi đối thoại, ngư dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề về cơ chế chính sách như: hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề trong khai thác, nuôi trồng hải sản; hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để ngư dân yên tâm phát triển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; tăng cường cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền bị tai nạn, rủi ro trên biển. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí nạo vét thông luồng Cửa Lở (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức), cửa biển Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ) nhằm tạo điều kiện tàu, thuyền ra vào vươn khơi bám biển; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ở các xã ven biển huyện Bình Sơn....

Trao biểu trưng tặng nhà đại đoàn kết cho ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Trao biểu trưng tặng nhà đại đoàn kết cho ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Với trách nhiệm là người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi, kết luận buổi đối thoại, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con ngư dân, đồng thời xin tiếp thu đầy đủ những băn khoăn, trăn trở, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của bà con.

Đồng chí đề nghị, sau khi kết thúc buổi đối thoại, Văn phòng Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận cụ thể của Bí thư Tỉnh ủy để chỉ đạo và giao các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của ngư dân nêu ra.

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền; giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường để phát triển nghề khai thác hải sản thành ngành mũi nhọn; thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên môi trường biển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá, bến cá, quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; đào tạo nghề cho ngư dân...

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và sớm gỡ “Thẻ vàng” IUU trong thời gian đến.

“Với mỗi ngư dân, bám biển vươn khơi là cuộc sống, là niềm tự hào làm chủ vùng biển quê hương, nối nghề truyền thống của cha ông để lại, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, đối với ngư dân ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ý thức rõ điều này, các thế hệ ngư dân ngày nay luôn quyết tâm bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo", đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân bày tỏ.

Dịp này, từ nguồn kinh phí vận động, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 trao tặng 6 ngôi nhà đại đoàn kết, 113 suất quà, phao cứu sinh, cờ Tổ quốc, với tổng trị giá 682,5 triệu đồng cho ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn và các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh.

HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-co-giai-phap-bao-dam-an-toan-cho-ngu-dan-post843202.html
Zalo