Kon Tum: Nỗ lực phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 54%. Chính vì vậy, phát triển đảng viên là người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS; trong đó, công tác phát triển đảng viên là người DTTS luôn được quan tâm thực hiện.

Kết nạp đảng viên là học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông.

Kết nạp đảng viên là học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông.

Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, củng tổ chức cơ sở đảng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đảng viên, đảng viên là người đồng bào DTTS nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án về xóa thôn, làng chưa có đảng viên đến năm 2010, tiến tới xóa thôn, làng chưa có tổ chức đảng (theo Quyết định số 138-QĐ/TU ngày 12-4-2006). Tiếp theo đó, nhiều văn bản được ban hành nhằm cụ thể hóa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy như: Kết luận số 322-KL/TU ngày 3-11-2011 "về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10-CT/TU về đẩy mạnh công tác phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ"; Kết luận số 329-KL/TU ngày 2-2-2012 "về công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên, tổ chức đảng"; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 8-8-2016 "về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở"; Chương trình số 39-CTr/TU ngày 6-10-2022 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Đồng thời, cấp ủy các cấp đều ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, kết luận, chương trình của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp có tính đột phá, với phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh; chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền kết nạp đảng viên; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và gắn trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ cấp ủy, cấp ủy viên được phân công phụ trách địa bàn, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ về thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên.

Với việc lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn cụ thể của các cấp ủy, công tác phát triển đảng viên người đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn tỉnh kết nạp được 2.451 đảng viên (chiếm 34,27% tổng số đảng viên được kết nạp); nhiệm kỳ 2015 - 2020, kết nạp được 2.046 đảng viên (chiếm 33,45%); từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến tháng 6-2024, kết nạp được 1.644 đảng viên (chiếm 42,67%). Theo số liệu thống kê hằng năm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2010 đến nay, số lượng đảng viên là người đồng bào DTTS luôn chiếm trên 30% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Hoàn thành mục tiêu "xóa" thôn chưa có đảng viên và chưa có tổ chức đảng (hiện nay đã có 756/756 thôn có tổ chức đảng).

Chất lượng đảng viên được kết nạp không ngừng được nâng lên. Về trình độ học vấn: trong số 4.497 đảng viên là người DTTS được kết nạp giai đoạn 2010 - 2020, có hơn 65% đảng viên trình độ THPT, hơn 34% đảng viên trình độ THCS, chỉ có gần 1% đảng viên trình độ tiểu học; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: đảng viên là trung học chuyên nghiệp 17%, cao đẳng 11%, đại học 17,6%. Đội ngũ đảng viên người DTTS được kết nạp giai đoạn 2010 - 2020 đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang của tỉnh với 59 cán bộ, công chức cơ quan đảng, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên; 278 cán bộ, công chức Nhà nước tính từ cấp huyện trở lên; 498 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; 754 viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; 343 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang.

Việc phát triển đảng viên ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi một số quần chúng chưa đảm bảo về trình độ học vấn; đa số học sinh, đoàn viên, thanh niên đều thoát ly khỏi địa phương để học tập, làm việc kiếm sống; số ít còn lại ở địa phương, ít tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể. Vì vậy, có được kết quả như trên, đó là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; sự vào cuộc của mặt trận, đoàn thể, các địa phương, đơn vị… từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố.

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum có vai trò, ý nghĩa quan trọng, đảng viên người DTTS là đội ngũ quan trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; tạo nguồn để xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ngô Đức Hải / Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/dang-vien/kon-tum-no-luc-phat-trien-dang-vien-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-22309
Zalo