Cần có cơ chế ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế để thu hút nhà đầu tư vào GD
Đề xuất xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 10 năm từ 2013-2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành. Việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 83%, tăng 35,3% so với năm 2013.
Mặc dù vậy, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước.
Nỗ lực kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo môi trường học tập cho học sinh
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang chia sẻ, ngoài ngân sách nhà nước, địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn lực của xã hội để xây dựng trường lớp khang trang hơn.
Đến nay, các trường trên địa bàn Thành phố Ngã Bảy về cơ bản đã đảm bảo theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng việc dạy và học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên việc thực hiện kiên cố hóa ở một số đơn vị thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc, một số nơi chưa đạt theo tiêu chuẩn của thông tư 13/2020/TT-BGDĐT (Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học) và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT (Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông).
Mặc dù tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tại địa phương tăng dần qua từng năm, nhưng một số điểm trường đã được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp bao gồm cả cơ sở vật chất, phòng học, công trình phụ, đường đi lại…Tuy nhiên việc huy động xã hội hóa còn gặp khó khăn.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Hồ Chí Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiểu Cần, Trà Vinh cho biết, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển sự nghiệp ngành giáo dục.
Thời gian qua, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn huyện Tiểu Cần luôn nhận được quan tâm đầu tư. Cho đến nay, huyện Tiểu Cần đã đạt 100% việc kiên cố hóa trường lớp học. Để đạt được kết quả như trên, huyện đã nỗ lực trong công tác huy động, sử dụng nguồn lực xã hội hóa.
Ngoài nguồn từ ngân sách nhà nước thì huyện Tiểu Cần đã huy động được hơn 88 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cho 101 phòng học. Đồng thời, các hộ gia đình và cá nhân cũng đã tích cực quyên góp kinh phí, hiến đất để xây, mở rộng trường lớp được khoảng 11.000 m2.
Cũng theo thầy Cường, việc có tài trợ từ nguồn xã hội hóa cho giáo dục đã giải quyết nhiều khó khăn cho ngành giáo dục tại địa phương cũng như tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm qua, tại huyện Tiểu Cần đã huy động được nguồn xã hội hóa từ 4 tổ chức. Trong đó có những tổ chức phi chính phủ đã gắn bó với huyện nhiều năm, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường học thì họ cũng quan tâm về các chính sách an sinh xã hội, học phí..
Còn theo Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại tỉnh Hậu Giang chia sẻ, những năm qua, tỷ lệ kiên cố hóa và chất lượng giáo dục khu vực này đã được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay, trường còn gặp một số hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt cơ sở vật chất phục vụ các môn: Thể dục, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học…
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất cũng có nhiều hạng mục xuống cấp như bàn ghế cũ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Vì vậy, đại diện nhà trường mong muốn, công tác xã hội hóa giáo dục luôn được đẩy mạnh, tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị có uy tín trong và ngoài nước huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư
Trong những năm qua, ngành giáo dục các địa phương đã nỗ lực không ngừng trong việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện học tập cho học sinh.
Chia sẻ về kinh nghiệm và giải pháp huy động xã hội hóa, thầy Cường cho biết, để làm tốt công tác xã hội hóa, địa phương cần linh hoạt trong việc kêu gọi các tổ chức.
Đơn cử như huyện Tiểu Cần, khi làm việc với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài cần tích cực làm công tác tham mưu với cơ quan chức năng, ủy ban nhân dân tỉnh, từ đó sẽ có những chủ trương và kế hoạch phù hợp.
Cùng với nguồn từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục luôn được khuyến khích phát triển; hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được triển khai rộng khắp. Vì vậy, nhờ tập trung cho công tác giáo dục nên đến nay chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, giải quyết nhiều vấn đề cho địa phương.
Nhiệm vụ đặt ra cho công tác giáo dục và đào tạo ở huyện Tiểu Cần trong thời gian tới là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đầu tư kiên cố hóa trường, lớp; sắp xếp các điểm trường, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tiếp tục huy động nguồn vốn từ các nguồn đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.
Đồng thời, thầy Cường cũng cho rằng, nếu có các chính sách ưu đãi về đất đai hay các chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục thì công tác xã hội hóa sẽ ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn để tiếp tục kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Điều này cũng giải quyết nhiều khó khăn cho ngành giáo dục tại địa phương cũng như tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng tình với đề xuất trên, thầy Tuấn chia sẻ, nếu có những chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó khăn thì việc kêu gọi hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa sẽ được dễ dàng, hoàn thiện hơn. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ, nâng cấp, sửa chữa bởi hiện nay khi thực hiện, họ vẫn gặp khó khăn khi phải thực hiện nhiều nội dung liên quan đến pháp lý.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp là tăng cường, huy động xã hội hóa giáo dục.
Bên cạnh đó, để thu hút được nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp cần có cơ chế thông thoáng, thuận lợi. Ban hành nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế để tạo cơ sở pháp lý vững chắc và khung hành chính thuận lợi cho các tổ chức.
Đồng thời xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục.
Trong đó chú trọng hoạt động tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục.