Giúp học sinh đạt điểm cao môn Toán thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Toán, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm triển khai dạy học hiệu quả môn học này.
Nhiều điểm mới
Thầy Nguyễn Việt Hải, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định, đề tham khảo môn Toán, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có sự khác biệt rõ rệt so với trước đây cả về cấu trúc, thêm các dạng thức câu hỏi và chú trọng các bài toán thực tế.
Đề phản ánh hướng thay đổi tích cực, đúng với mục tiêu của chương trình mới là giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ tác động tích cực tới cách dạy và cách học trong thời gian tới.
Cụ thể, đề gồm 3 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm. Dạng thức 1 (3 điểm) là 12 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Đây là phần có nhiều câu hỏi dễ, tạo điều kiện lấy điểm cho phần lớn học sinh, tránh điểm liệt.
Dạng thức 2 (4 điểm) gồm 4 câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi câu 4 ý, được sắp xếp tăng dần độ khó từ cấp độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng. Ở dạng thức này, với cách tính điểm 10%, 25%, 50%, 100% học sinh muốn được điểm cao phải nắm vững kiến thức và làm bài thật cẩn thận.
Dạng thức 3 (3 điểm) là 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn gồm 6 câu ở cấp độ vận dụng. Đây là phần khó nhất của đề thi, đòi hỏi kiến thức vững chắc, năng lực đọc hiểu giao tiếp toán học, năng lực giải quyết vấn đề và kiến thức liên môn tốt. Dạng thức này mang đến sự phân hóa mạnh và khó khăn thách thức cho học sinh.
Về nội dung kiến thức, đề có 30% kiến thức lớp 11 (3 điểm) gồm các nội dung: Hình học không gian; lượng giác; dãy số – cấp số cộng – cấp số nhân; mũ – logarit; xác suất cổ điển.
Lớp 12 chiếm 70% (7 điểm) phủ toàn bộ các nội dung kiến thức học sinh được học ở lớp 12: Hàm số, thống kê, tích phân, xác suất có điều kiện, hình học giải tích trong trong không gian.
Riêng câu 2 – phần III là phần kiến thức thuộc chuyên đề học tập – phần kiến thức không phải học sinh nào cũng bắt buộc học tập.
Đề thi có sự phân hóa mạnh hơn so với những năm trước. Theo đó, câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 60%; vận dụng chiếm 40%.
Với đề thi này, học sinh khoanh bừa sẽ có mức điểm rất thấp, học sinh trung bình đạt 5 – 6 điểm; học sinh khá: 6 – 7 điểm; học sinh giỏi: 7 – 8 điểm. Để trên 8 điểm học sinh cần có kiến thức vững chắc, kỹ năng phân tích sắc bén, năng lực giải quyết vấn đề và kiến thức liên môn tốt.
Đề thi có đến 50% các bài toán liên quan đến thực tế phù hợp với yêu cầu chương trình mới nhằm gắn Toán học với thực tiễn song học sinh vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do cả cách dạy và học chưa kịp đổi mới theo yêu cầu của chương trình.
Một số điểm mới về nội dung kiến thức được thầy Nguyễn Việt Hải nhấn mạnh, đó là: Không có bài toán chứa tham số; không có hàm số hợp, hàm ẩn (dạng khó của những năm trước); thêm phần thống kê, xác suất có điều kiện bỏ phần số phức(thay đổi của chương trình mới). Đề có nhiều bài toán liên quan đến thực tế và giảm tính toán phức tạp, tăng kỹ năng đọc hiểu, suy luận, phân tích, giải quyết vấn đề.
Học sinh cần lưu ý gì?
Để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với môn Toán, thầy Nguyễn Việt Hải lưu ý, các em cần học chắc kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất vấn đề; tăng cường kiến thức liên môn, liên hệ thực tế.
Học sinh bên cạnh rèn kỹ năng đọc hiểu, phân tích đề bài, năng lực mô hình hóa toán học và năng lực giải quyết vấn đề, cũng cần rèn kỹ năng tính toán nhanh và chính xác.
“Các em cần tăng cường tìm kiếm thông tin để luyện tập đa dạng các nội dung, tránh học tủ, học vẹt. Chú trọng đặc biệt sự cẩn thận ở dạng thức 2 và tính đa dạng Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách chủ động và khoa học”, thầy Nguyễn Việt Hải lưu ý thêm.
Triển khai dạy học với đề tham khảo
Thầy Nguyễn Việt Hải cho rằng: Toán học có phạm vi ứng dụng lớn trong cuộc sống. Những kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản giúp con người giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống một cách có hệ thống và chính xác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Môn Toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực cho học sinh; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn. Do đó, đổi mới phương pháp dạy học luôn là sự quan tâm hàng đầu trong kế hoạch năm học của tổ Toán – Tin, Trường THCS Ban Mai.
Chia sẻ phương pháp dạy học triển khai tại Trường THPT Ban Mai, thầy Nguyễn Việt Hải cho biết, giáo viên đã áp dụng một số phương pháp, kỹ thuật dạy học cho học sinh trong năm học 2024-2025 như sau:
Một, dạy học theo trạm. Học sinh được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, học sinh được thay đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động tìm hiểu kiến thức.
Hai, dạy học sử dụng chiến lược lớp học đảo ngược. Lớp học đảo ngược là một chiến lược giảng dạy hiện đại cung cấp hoạt động học tập hỗ trợ đồng đẳng lấy học sinh làm trung tâm. Nói đơn giản, trong một lớp học đảo ngược, những gì truyền thống được thực hiện trên lớp sẽ được thực hiện ở nhà, trong khi những gì được làm dưới dạng bài tập về nhà giờ đây được thực hiện trên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Ba, dạy học tích hợp. Trong chương trình mới, giáo viên Toán sẽ lồng ghép trong các tiết dạy một số bài toán với những vấn đề thực tiễn về kinh tế, khoa học tự nhiên, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn giao thông, ... nhằm nâng cao hứng thú của học sinh trong các giờ học.
“Với yêu cầu của chương trình giáo dục mới, cấu trúc đề thi mới, giáo viên Trường THPT Ban Mai luôn sẵn sàng đổi mới, học hỏi trau dồi phương pháp dạy học tích cực, hiện đại để giúp học sinh chủ động và sáng tạo nhằm lĩnh hội kiến thức một cách khoa học và hiệu quả”, thầy Nguyễn Việt Hải chia sẻ.