Cần có cơ chế giám sát, thanh tra chống tham nhũng, trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần rà soát mục tiêu, điều kiện để đảm bảo minh bạch, công bằng trong lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế xin - cho; đồng thời thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong phát triển nhà ở xã hội.

Góp ý tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội ngày 21/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình với đề xuất về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế xin cho. Đồng thời cần có cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ các giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội. “Phải bổ sung quy định về cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành, tránh việc chất lượng nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu quy định", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.

Về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là cần phải xác định rõ mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ của quỹ, làm rõ mối quan hệ của quỹ với một số quỹ khác hiện đang tồn tại. Quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư phát triển của địa phương cũng có chức năng đầu tư tạo lập quỹ nhà ở xã hội tương tự như Quỹ Nhà ở quốc gia. Cùng với đó cần rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để không trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Về hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ các trường hợp nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư.

Cùng với đó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm vi phạm và cơ chế bồi hoàn cho nhà nước. Rà soát các quy định chuyển tiếp, không để tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc quy định thiếu rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ quy định về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, bởi thực tế cho thấy, lợi nhuận đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thấp. Hơn nữa, việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê thì số tiền cho thuê chỉ đủ để vận hành tòa nhà vì vậy nhà đầu tư không muốn xây nhà cho thuê. Muốn vậy, xây nhà ở xã hội cho thuê cần có nguồn vốn không lãi suất và nguồn vốn vay từ quỹ này. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn quy định chung chung, chưa có quy định theo hướng ưu tiên đầu tiên cho các dự án nhà ở xã hội cho thuê.

 Đại biểu Nguyễn Như So.

Đại biểu Nguyễn Như So.

Góp ý về việc xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Điều 8, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá, đây là một nội dung then chốt, tác động trực tiếp đến khả năng thu hút nhà đầu tư cũng như tính minh bạch và hiệu quả của chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định tại khoản 3 Điều 8 yêu cầu sau khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp giá bán, giá thuê mua sau quyết toán thấp hơn so với mức giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư bắt buộc phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua và ngược lại.

“Việc ấn định cứng trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch mà không cho phép điều chỉnh trong biên độ hợp lý là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó tiên lượng lợi nhuận, không dám đầu tư hoặc phải tính biên phòng rủi ro cao, dẫn tới tăng giá khởi điểm”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 8 theo hướng: cho phép chủ đầu tư xác định giá bán tạm thời (giá tạm tính) theo hồ sơ dự toán đã được thẩm định, ký hợp đồng với người mua trên cơ sở giá này kèm theo điều khoản điều chỉnh sau kiểm toán nếu có chênh lệch vượt ngưỡng 5%. Đồng thời, chỉ yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch trong giới hạn vượt biên độ cho phép, còn trong phạm vi biên độ ±5% thì không truy thu để giảm thiểu rủi ro hành chính. Cách làm này vừa bảo vệ người mua, vừa tạo ra sự minh bạch và công bằng về mặt tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư vào nhà ở xã hội.

Bảo An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/can-co-co-che-giam-sat-thanh-tra-chong-tham-nhung-truc-loi-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-d58543.html
Zalo