Cần có cơ chế để công đoàn thực hiện tốt các quyền, trách nhiệm được giao

Các điều kiện để Công đoàn Việt Nam, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), sáng 18.6.

Cần bổ sung một mục riêng về công đoàn cơ sở

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn hiện hành và nhận thấy nội dung dự thảo Luật đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và những cam kết quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt là yêu cầu được Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đề ra về xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 02 cũng như bảo đảm Luật Công đoàn (sửa đổi) khi được thông qua thực sự đi vào thực tiễn, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị cần dành một mục riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở (Chương II).

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu nêu rõ, công đoàn cơ sở có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống công đoàn, "là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn; công đoàn cơ sở có mạnh, thì tổ chức công đoàn mới mạnh. Nhưng thực tế cũng cho thấy, hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả. Vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt. Năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu".

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, song, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, có nguyên nhân do chưa có một quy định pháp luật cụ thể và rõ ràng cho công đoàn cơ sở. Dù vậy, tại dự thảo Luật vẫn quy định chung chung quyền, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn và các loại hình công đoàn cơ sở. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định một mục riêng về công đoàn cơ sở tại dự thảo Luật để không chỉ là định chế pháp luật đơn thuần, mà còn là những định hướng, dẫn dắt, tạo thuận lợi cho công đoàn cơ sở trong triển khai, áp dụng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) lưu ý, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng đối với người lao động là vai trò quan trọng của một tổ chức công đoàn, nhưng trong thực tế có nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội song công đoàn chưa thể khởi kiện do vướng các quy định về thu thập, ủy quyền của từng cá nhân người lao động. Do vậy, dự thảo Luật cần nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn thực hiện quyền khởi kiện tập thể khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, vừa đúng quy định pháp luật, vừa rút ngắn thời gian để tránh người lao động phải đi lại nhiều lần.

Cần tạo điều kiện để công đoàn “độc lập” hơn

Để công đoàn thực hiện đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, bảo đảm chăm lo tốt nhất cho quyền, lợi ích chính đáng của công đoàn viên, người lao động, các ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng), Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)... đặt vấn đề: cần cho công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đã được quy định tương đối đầy đủ tại dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu thực tế, công đoàn cơ sở hiện được ví như "một cậu bé tý hon" nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó việc cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động. Do vậy, theo đại biểu, cần có những quy định pháp luật phù hợp để tạo điều kiện cho công đoàn “độc lập” hơn với người sử dụng lao động. Trước hết, là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.

Về tổ chức, các đại biểu nhất trí với đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách ở công đoàn cơ sở nơi có đông người lao động như quy định tại Điều 26 của dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, quy định tăng quyền chủ động của tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ như quy định tại các khoản 3, 4 của Điều 26, đặc biệt là giao thêm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giúp khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau, cũng như khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

"Việc phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính bảo đảm chi hành chính, chi cho hoạt động phong trào của các cấp công đoàn, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, cũng nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế, quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn", đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về tài chính, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, giao Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ và từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, nếu chủ doanh nghiệp trả lương cho cán bộ công đoàn ở cơ sở, thì cán bộ công đoàn có thực sự dám lên tiếng khi quyền, lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm phạm không? Thời gian qua đã thống kê được bao nhiêu vụ việc khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm phạm do tổ chức công đoàn cơ sở đứng ra không?

Bên cạnh cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn được quy định tại Điều 28 dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần quy định cụ thể mức hỗ trợ hàng tháng trong thời gian gián đoạn việc làm, đối với cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.

Theo đó, khoản 2 Điều 28 của dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng quy định khi sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thay vì của cả công đoàn cơ sở. "Quy định như vậy sẽ chặt chẽ và phù hợp hơn", đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Thời gian qua, những cái tên Tết sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, Chuyến xe Xuân nghĩa tình, Mái ấm công đoàn hay những hoạt động Điểm hẹn cuối tuần, Giờ thứ chín... cũng như nhiều chương trình, hoạt động, "sân chơi" khác đã trở thành một thương hiệu nhận diện riêng đối với tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của công đoàn viên, người lao động.

Ghi nhận kết quả này, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất với mong muốn, qua sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn sẽ tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã góp phần đề xuất nhiều căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, toàn diện, làm cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-co-co-che-de-cong-doan-thuc-hien-tot-cac-quyen-trach-nhiem-duoc-giao-i376069/
Zalo