Cần có chính sách ưu đãi hơn với lĩnh vực văn hóa và các cơ quan báo chí

Thảo luận tại Tổ 2 về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần có chính sách ưu đãi hơn đối với lĩnh vực văn hóa và các cơ quan báo chí.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Nên có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí - truyền thông trong giai đoạn hiện nay

Thảo luận tại Tổ 2, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế, đặc biệt là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận thấy, tình hình thu, chi ngân sách của chúng ta trong những năm vừa qua được cải thiện rất nhiều, tình hình nợ công của nước ta cũng giảm và bội chi ngân sách cũng giảm so với GDP. Do đó, việc tăng thuế được thực hiện hết sức thận trọng, đặc biệt là chúng ta cũng có sự hài hòa giữa việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình với quan điểm cần quan tâm có thêm những chính sách ưu đãi về thuế, nhất là đối với những ngành mới, ngành mang tính chất động lực tăng trưởng, như lĩnh vực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…

 ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T. Chi

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T. Chi

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, cần có thêm những chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí, bởi đây là những lĩnh vực rất quan trọng.

Góp ý cụ thể vào Điều 13, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật quy định thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in thuộc ngành nghề quy định được đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, nhưng thu nhập của cơ quan báo chí không từ hoạt động báo in thì lại đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 15%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, đối với lĩnh vực báo chí thuộc hai lĩnh vực hoạt động báo in và không hoạt động báo in nên áp dụng một mức chung là mức thuế 10% và kiến nghị cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn.

 ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam được Đảng, Nhà nước xem đây là phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật đến với mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và góp phần vào thắng lợi trong các chiến dịch..

“Đặc biệt là trong thời bình, vai trò báo chí cũng hết sức quan trọng để đấu tranh với những thông tin xấu, độc, phản động, chống phá chúng ta. Báo chí cũng góp phần đưa ra những mô hình hay nhằm tuyên truyền thông tin tích cực và đồng thời cũng góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí - truyền thông trong giai đoạn hiện nay để các cơ quan báo chí có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn.

Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm rất sâu trong những năm vừa qua do sự phát triển của công nghệ số. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, trong giai đoạn đầu, có thể là 5 năm, nên đưa văn hóa, báo chí và những lĩnh vực cần được ưu tiên ưu đãi vào nhóm đối tượng không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc nhóm đối tượng chịu mức thuế thấp nhất để khuyến khích.

Tán thành với ý kiến trên, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị nên giảm thuế xuống còn khoảng 5 - 0% đối với các cơ quan báo chí.

Bảo đảm bao quát, rõ ràng

Điều 2 dự thảo Luật quy định đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ việc thu thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam, bất kể doanh nghiệp đó có trụ sở tại Việt Nam hay không, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực tế, có những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ hàng hóa cho Việt Nam có thể phát sinh thu nhập từ nước ngoài nhưng đối tượng tiêu thụ là người Việt Nam thì đôi khi trong pháp luật hoặc trong các thỏa thuận quốc tế có quy định được quyền thu thuế thì chúng ta thu.

Cho nên, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho người Việt Nam, thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài, và có phát sinh thu nhập theo pháp luật Việt Nam hoặc theo các điều ước quốc tế thì doanh nghiệp phải đóng thuế này. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên sử dụng cụm từ "phát sinh tại Việt Nam" vì có thể bỏ sót một số khoản thu nhập phát sinh ở nước ngoài nhưng theo luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế thì Việt Nam vẫn có quyền thu thuế.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu nhận thấy, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) lần này có quy định giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp có từ 30% lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện và những trường hợp đặc biệt khác.

Đây là quy định rất nhân văn, song đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị không nên quy định tỷ lệ “cứng” 30% người lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện… mà nên quy định linh hoạt hơn, chẳng hạn như doanh nghiệp có tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện dù chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% cũng được hưởng chính sách giảm thuế.

Bên cạnh đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế, không chỉ người sau cai nghiện mà cả người đang điều trị cai nghiện bằng methadone với lý do đối tượng này cơ bản có hành vi và tinh thần ổn định, có thể tham gia lao động. Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp động viên doanh nghiệp thuê mướn đối tượng là người đang điều trị cai nghiện bằng methadone.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-chinh-sach-uu-dai-hon-voi-linh-vuc-van-hoa-va-cac-co-quan-bao-chi-post397125.html
Zalo