Cần có chính sách cụ thể thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước
Sáng 15.2, thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Khánh Hòa, Hải Dương, Đồng Tháp), các đại biểu cho rằng, cần có các chính sách cụ thể thu hút chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho phát triển khoa học, công nghệ.
Tại phiên thảo luận sáng nay, các ĐBQH nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![ĐBQH Lê Quốc Phong (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/8b6050e263ac8af2d3bd.jpg)
ĐBQH Lê Quốc Phong (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
ĐBQH Lê Quốc Phong (Đồng Tháp) thống nhất cao việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học được quy định trong Nghị quyết này bởi "chúng ta cần tạo một điểm tựa vững chắc để các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ thật sự yên tâm trong thực hiện nhiệm vụ khoa học".
Liên quan đến kinh phí ngân sách nhà nước, trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị hướng tới tăng tỷ lệ ngân sách dành cho khoa học công nghệ lên tới 3%. Đại biểu đề xuất, cần lưu ý phân bổ ngân sách ngay trong năm 2025 để thực hiện thúc đẩy ưu tiên cho khoa học, công nghệ.
Về thuế ưu đãi cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu Lê Quốc Phong bày tỏ thống nhất cao. Đây là bước thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có nghiên cứu phát triển thì sẽ khó tạo ra điểm mới trong thúc đẩy tăng trưởng.
![ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/2a5dc9dffa9113cf4a80.jpg)
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), hiện các chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo trong dự thảo Nghị quyết còn mờ nhạt, qua đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa ngay trong Nghị quyết, bảo đảm tính khả thi. Trong đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung áp dụng cơ chế tự chủ của Trung tâm đổi mới sáng tạo công lập, hay cơ chế thành lập điều hành doanh nghiệp từ kết quả khoa học đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo công lập (Điều 4 và Điều 5 dự thảo Nghị quyết).
Về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học, công nghệ, công lập, dự thảo Nghị quyết đã có những quy định mang tính chất đột phá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần làm rõ hơn nội hàm được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất là như thế nào, ở những lĩnh vực nào mới có thể áp dụng được. Đồng thời, cần làm rõ hơn các cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
![Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/1a14fc96cfd826867fc9.jpg)
Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Hạnh Nhung
Về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ chế kiểm soát và bảo đảm tính minh bạch, tránh thất thoát tài sản công.
"Việc chấp nhận rủi ro trong khoa học công nghệ là vấn đề quan trọng, nhưng cần xác định trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; nếu không có quy trình, quy định cụ thể thì sẽ khó kiểm soát được. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể thu hút chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp trong phát triển khoa học công nghệ", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
![ĐBQH Triệu Thế Hùng (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/9dc8774a4404ad5af415.jpg)
ĐBQH Triệu Thế Hùng (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
ĐBQH Triệu Thế Hùng (Hải Dương) cho rằng, trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo, không phải đề tài nào đưa ra cũng có hiệu quả, vì vậy rất cần có cơ chế, chính sách bảo vệ những nhà khoa học tham gia. Đồng thời, cần làm rõ phạm vi, thời gian, đối tượng thí điểm; đặc biệt nếu chỉ ra được các ngành nghề cụ thể để thí điểm thì sẽ tăng tính hiệu quả hơn khi triển khai thực hiện Nghị quyết.
![ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/4cd4a256911878462109.jpg)
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Về quy định cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho chuyển đổi số, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá đây là điều cần thiết. Trong dự thảo Nghị quyết quy định 5-15% chi phí cho đầu tư thiết bị tại khoản 2 Điều 13, nhưng cần cân nhắc lại.
Đặt câu hỏi, hỗ trợ tài chính ở đây là hỗ trợ bằng tiền theo quy định 5-15% hay là hỗ trợ cơ chế chính sách, đại biểu đề nghị không nên hỗ trợ vật chất, mà cần hỗ trợ bằng đất đai, lãi suất ngân hàng, hỗ trợ bằng thuế, như vậy sẽ không phát sinh tiêu cực. Ngoài ra, về chính sách hỗ trợ công nghiệp công nghệ số chiến lược có tính chất đặc biệt, cần cân nhắc vì chính sách này đã được quy định trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về áp dụng khoán chi, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có quy định chi tiết, tránh tình trạng kê sai, trục lợi. Đồng thời, vấn đề ưu đãi thuế về khoa học công nghệ cũng phải xem xét lại cho cụ thể, rõ ràng.
![ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51484695/4c54bcd68f9866c63f89.jpg)
ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Liên quan đến chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Điều 6, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị cần thể hiện rõ, không phải “miễn trách nhiệm dân sự” mà là “miễn trách nhiệm bồi thường” sẽ hợp lý hơn. Miễn trách nhiệm dân sự còn liên quan đến hợp đồng, giải quyết của bên vi phạm; trách nhiệm dân sự sẽ bao hàm xin lỗi, bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm… Nhưng ở đây sử dụng kinh phí nhà nước, đã tuân thủ đúng quy trình, quy định nhưng gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.