Cần cơ chế đột phá để thúc đẩy khoa học và công nghệ

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các ý kiến tập trung vào năm vấn đề cốt lõi: sự cần thiết của chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; cơ chế đầu tư đặc thù vào kết cấu hạ tầng; tháo gỡ thủ tục hành chính và tài chính; thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt để tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành nghị quyết thí điểm là bước đi quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Chúng ta cần một chính sách đủ mạnh để tháo gỡ những rào cản về thể chế, giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Việc tăng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu là rất cần thiết. Nghiên cứu khoa học không thể đoán trước kết quả, nhưng nếu không có cơ chế hỗ trợ phù hợp, chúng ta sẽ mãi chỉ đi sau thế giới," đại biểu Cường phát biểu.

Ông cũng đề xuất loại bỏ các quy định đấu thầu không phù hợp trong nghiên cứu khoa học. Theo ông, nghiên cứu khoa học không thể áp dụng cơ chế đấu thầu như các dự án xây dựng, vì điều này làm gián đoạn quá trình nghiên cứu và giảm hiệu quả đầu tư.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) bổ sung rằng, khoa học và công nghệ không chỉ đóng vai trò trong lĩnh vực công nghiệp mà còn trong y tế, giáo dục và nông nghiệp. Bà đề xuất tăng cường đầu tư vào nghiên cứu sinh học, công nghệ y học tiên tiến và hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Về đầu tư đặc thù vào kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm, để khoa học và công nghệ phát triển cần đầu tư mạnh vào hạ tầng như không gian làm việc, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, trung tâm dữ liệu và hệ thống viễn thông hiện đại (5G/6G).

"Hiện nay, quy định của pháp luật về đầu tư hạ tầng khoa học và công nghệ còn chung chung, trình tự, thủ tục phức tạp, khiến việc triển khai chậm trễ. Chúng ta cần có cơ chế rút gọn đặc biệt để đẩy nhanh đầu tư, đồng thời khuyến khích hợp tác công tư trong lĩnh vực này," bà Thúy đề xuất.

Bà cũng nhấn mạnh rằng để thu hút nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần có các khu nghiên cứu hiện đại, nơi các chuyên gia có thể làm việc và phát triển các công nghệ tiên tiến như AI, chip bán dẫn và công nghệ sinh học.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng để đảm bảo tính đồng bộ trong chuyển đổi số, cần mở rộng các trung tâm dữ liệu lớn trên khắp cả nước, không chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Ông đề xuất Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính và tài chính, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng những rào cản về thủ tục hành chính và tài chính đang là thách thức lớn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

"Hiện nay, việc giải ngân kinh phí nghiên cứu còn nhiều bất cập, quy trình xin tài trợ rườm rà, khiến các nhà khoa học mất nhiều thời gian vào thủ tục thay vì tập trung nghiên cứu. Cơ chế khoán chi cần được mở rộng, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính chất đột phá. Cần miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà nghiên cứu, đồng thời có cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D," đại biểu An nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị bổ sung quy định về chuyển nguồn ngân sách để đảm bảo các dự án nghiên cứu có thể tiếp tục được tài trợ trong nhiều năm thay vì bị cắt nguồn giữa chừng do quy định tài chính cứng nhắc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số, đặc biệt là 5G và viễn thông vệ tinh. Ông nhấn mạnh rằng cần cơ chế tài chính linh hoạt hơn, miễn giảm thuế và cho phép doanh nghiệp tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đề xuất cơ chế đặc thù để đầu tư vào kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tài chính, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học, công nghệ.

Nếu được thông qua và triển khai hiệu quả, nghị quyết này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của khoa học, công nghệ Việt Nam, giúp đất nước có thể đón đầu những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến tới trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-co-che-dot-pha-de-thuc-day-khoa-hoc-va-cong-nghe-160546.html
Zalo