Cần cơ chế đặc biệt trong đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt về xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Sáng 15-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đại biểu Chamalea Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Chamalea Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với việc cần sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm thể hiện tính chiến lược trong định hướng phát triển năng lượng bền vững, bảo đảm an toàn năng lượng và phù hợp với bối cảnh của nước ta trong tình hình mới.

Đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Chamalea Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt trong dự thảo Luật đối với các vấn đề liên quan đến vị trí được lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đại biểu cho biết, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên cả nước được lựa chọn xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, thời gian tới, có thể sẽ có nhiều nhà máy điện hạt nhân khác được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

“Nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa vào dự thảo Luật lần này sẽ tạo thành hành lang pháp lý thống nhất, bảo đảm thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”, đại biểu Đoàn Ninh Thuận nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Quan tâm đến quy định về bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng vấn đề này phải chặt chẽ, từ thiết kế xây dựng phải có thẩm định. “Về địa điểm xây dựng các cơ sở hạt nhân quy định trong dự thảo Luật, tôi cho rằng không nên xây dựng ở khu dân cư hoặc nếu có thì phải di dời, tái định cư cho người dân đi nơi khác để bảo đảm an toàn”, đại biểu nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, lĩnh vực điện hạt nhân là mục tiêu dài hạn có tính chất chiến lược về năng lượng nhưng cần triển khai từng bước, bảo đảm đủ điều kiện về công nghệ, nhân lực, và hệ thống pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung chính sách và chế độ ưu đãi đối với người làm việc trong môi trường phóng xạ. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nguyên tắc an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết vì các nguyên tắc này thay đổi liên tục theo sự phát triển của khoa học. “Nếu quy định “cứng” trong luật sẽ không theo sự phát triển của khoa học”, đại biểu nói.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình một số ý kiến đại biểu nêu. Theo Bộ trưởng, điện hạt nhân trong chiến lược quốc gia cần lộ trình phát triển. Điện hạt nhân được coi là điện xanh và theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân chiếm từ 10-30% tổng điện quốc gia.

“Điện hạt nhân là chiến lược quan trọng nhất của dự thảo luật, cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh”, Bộ trưởng nói.

Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật cho phép sử dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu; sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và dự án có cấp khoản chi cho thẩm định và đào tạo.

Về bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân trong đó có nhà máy điện hạt nhân, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật đã thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết dự thảo đã xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố; xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-co-che-dac-biet-trong-dau-tu-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-702327.html
Zalo