Cần thêm chế độ đặc thù với cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Thảo luận tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung thêm chế độ, chính sách đặc thù, đặc cách để hỗ trợ với những cá nhân bị giảm sức khỏe, không tiếp tục công tác ở lực lượng vũ trang.
Bổ sung chế độ với thân nhân của người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các ĐBQH đều cho rằng, việc ban hành Luật sẽ góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, đây là một lực lượng mới trong lực lượng vũ trang của nước ta, nên đồng tình với sự cần thiết hoàn thiện khung pháp lý về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Về nội dung cụ thể, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) quan tâm quy định tại Điều 12 về lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, do điều khoản này quy định cụ thể các lực lượng quân sự, dân sự tham gia và cả vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Tuy nhiên, trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật không giải thích khái niệm “phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ”, không rõ là xe cộ, phương tiện, hay chó nghiệp vụ có là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ không?
"Quy định sót có thể gây khó khăn khi đưa phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tham gia thực hiện gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc", đại biểu lưu ý.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Điểm d, khoản 1 Điều 14 về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc quy định “bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa…
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, cần quy định rõ hơn việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa được thực hiện đến đâu, phạm vi thực hiện các hoạt động này, có được truyền bá, phổ biến những bí kíp khoa học, công nghệ của một số ngành, lĩnh vực không? “Nếu quy định không rõ ở Luật có thể khiến cán bộ, chiến sĩ bị ảnh hưởng khi thực hiện những hoạt động truyền bá này nhưng vướng quy định của luật chuyên ngành”.
Ngoài ra, Điều 17 của dự thảo Luật về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đang quy định theo hướng bên cạnh Chính phủ quản lý thống nhất, thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban, bộ, địa phương chỉ đạo, quản lý, điều hành lực lượng thuộc phạm vi quản lý của mình.
Băn khoăn về quy định này của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cung cấp quy định tương tự của các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; làm rõ các quốc gia có một cơ quan quản lý mang tính chất đầu mối hay cũng chia theo các bộ, ngành, địa phương như thể hiện tại dự thảo Luật.

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tại Điều 25 về chế đô, chính sách có khoản 4 quy định “Cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc”.
Nhấn mạnh “đây là lực lượng đặc biệt, đặc thù hoạt động ở địa bàn khó khăn, gian khổ và nguy hiểm”, đại biểu Phan Thái Bình nhận thấy, chính sách quy định ở khoản 4 của Điều 25 chỉ áp dụng với cá nhân trực tiếp tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là chưa thực sự hợp lý. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung chính sách với thân nhân của những cá nhân này vì “hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm”.

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Ngoài ra, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chính sách với các chiến sĩ, cán bộ, công chức thuộc khu vực dân sự tham gia lực lượng này sau khi hết nhiệm kỳ, trở về nước, nhất là chính sách giải quyết việc làm, chính sách đặc thù, đặc cách để hỗ trợ với những cá nhân bị giảm sức khỏe, không tiếp tục công tác ở lực lượng vũ trang.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng, quy định về chế độ, chính sách với những cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại dự thảo Luật chưa thực sự nổi trội.
Trong thực tế, một số đồng chí sau một nhiệm kỳ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Phi trở về nước đã bị suy giảm sức khỏe không thể phục hồi được. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế độ, chính sách nổi trội hơn.
Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Phát biểu tại Tổ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH Nguyễn Tân Cương (Bình Dương) cho biết, căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, quy định tại Hiến pháp năm 2013, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong đó, Bộ Quốc phòng cử 1.067 chiến sĩ (với 6 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 và 3 đội công binh; 137 lượt theo hình thức cá nhân).

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH Nguyễn Tân Cương (Bình Dương) phát biểu tại Tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, các lực lượng tham gia của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Thứ trưởng cho biết, các cán bộ, chiến sĩ còn tham gia hoạt động xã hội nhằm truyền bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
“Các cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và cố vấn quân sự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cũng đã có 4 sĩ quan quân đội và 2 sĩ quan công an trúng tuyển vào cơ quan của Liên Hợp Quốc, thậm chí khi hết nhiệm kỳ họ được đề nghị công tác tiếp”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương chia sẻ, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn khi tình hình an ninh phức tạp, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; thời tiết khắc nghiệt; dịch bệnh phức tạp; đời sống nhân dân sở tại khó khăn... Do vậy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh cần phải có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Về việc bổ sung đối tượng áp dụng là “cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại khoản 2, Điều 2 của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, là để đa dạng hóa, huy động nguồn nhân lực trong các Ban, Bộ, ngành, địa phương tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cam kết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trong đó, Thứ trưởng nêu rõ, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có quy định giải thích khái niệm “phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ” nên không quy định lại tại dự thảo Luật này. Thực tế, các bệnh viện dã chiến cấp hai của chúng ta đều căn cứ trên quy mô bệnh viện để xác định đưa theo trang thiết bị, vật tư phù hợp để bảo đảm lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật, Thứ trưởng cho biết, việc phân quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và các Ban, bộ, địa phương để khi có tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam thì các cá nhân, cơ quan này có quyền ra lệnh rút lực lượng về nước. Nếu thực hiện theo quy trình thông thường sẽ mất thời cơ.