Cần có biện pháp kiểm soát bệnh dại quyết liệt hơn

Trong bối cảnh bệnh dại đang gia tăng nhanh, số người bị chó cắn gần chạm ngưỡng 1 triệu người. Trong đó, Bình Thuận ghi nhận số ca tử vong cao nhất cả nước. Những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài chính ở mức cao, đòi hỏi cần có các biện pháp kiểm soát quyết liệt hơn.

Tiêm vắc xin dại cho chó, mèo.

Tiêm vắc xin dại cho chó, mèo.

Tổn thất lớn

Năm 2023, số người bị chó cắn lên đến gần 1 triệu, tăng 43% so năm 2022. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2024, số người bị cắn cao hơn con số của năm trước. Điều này gây tổn thất lớn về tiền bạc, sức khỏe và tính mạng. Chi phí cho vắc xin và huyết thanh điều trị bệnh dại đã vượt 1.000 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể chi phí gián tiếp như nghỉ học, nghỉ làm để đi tiêm phòng, khiến tổn thất tổng cộng lên tới 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Và Bình Thuận ghi nhận 9 ca tử vong do dại, con số cao nhất cả nước trong năm 2024. Đó là chia sẻ của Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình phòng chống bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế).

Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dại gia tăng đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Bệnh dại đang lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành. Đáng lo ngại, gần một nửa trong số những người bị cắn là trẻ em và học sinh. Những trường hợp này thường gặp tổn thương nặng do bị cắn vào đầu, cổ và mặt. Có những em chưa kịp lên cơn dại đã tử vong do vết thương quá nặng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hơn 90% nguồn lây truyền bệnh dại chủ yếu từ chó, mèo mắc bệnh. Hiện nay, bệnh dại trên toàn quốc đang diễn biến rất phức tạp, với 299 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 35 tỉnh, thành phố, dẫn đến 573 động vật mắc bệnh chết và bị tiêu hủy.

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình phòng chống bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế)

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình phòng chống bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế)

Có khoảng thời gian lãng quên

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương phân tích nguyên nhân gia tăng bệnh dại: 3 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, mọi nguồn lực tập trung vào việc chống dịch, thì nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh dại cũng bị lãng quên và tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó giảm mạnh. Một vài con nhiễm bệnh, ủ bệnh từ 2 tuần đến 1 tháng thì có thể lây lan cho các con khác. Nếu những con chó khác được tiêm vắc xin, sẽ không bị nhiễm dại. Do không tiêm vắc xin đầy đủ, những con chó mắc bệnh sau thời gian ủ bệnh sẽ phát bệnh, bắt đầu cắn phá và lây lan cho người và vật nuôi.

Tiêm vắc xin dại cho chó, mèo.

Tiêm vắc xin dại cho chó, mèo.

Khi con chó đầu tiên không được tiêm phòng và chết sau vài tuần hoặc 1 tháng, bệnh dại tiếp tục lây nhiễm qua các con khác, tạo ra một vòng lây lan liên tục. Sau 3 - 5 tháng, số lượng chó mắc bệnh dại tăng nhanh chóng. Bản chất của một con chó dại là cắn phá bất cứ thứ gì, từ đồ đạc, con vật đến con người chuyển động. Sau dịch Covid-19, kinh tế mở cửa trở lại, tần suất giao lưu và làm việc tăng. Điều này dẫn đến việc tiếp xúc với đàn chó cũng nhiều hơn. Cùng với tiêm vắc xin không đầy đủ trên chó trong thời gian qua làm số người bị chó cắn tăng mạnh.

Để kiểm soát bệnh dại bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị sớm có sự chỉ đạo của UBND tỉnh đến UBND các huyện, thị, thành phố; ngành thú y, y tế, giáo dục và truyền thông. Tiến hành tiêm vắc xin đạt ít nhất 70% tổng số chó, mèo; áp dụng các biện pháp quản lý vật nuôi nghiêm ngặt. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền về trách nhiệm của người nuôi chó, mèo. Đó là xích, nhốt chó khi cần thiết, rọ mõm khi đưa ra đường, đảm bảo vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Nếu người dân không tuân thủ các biện pháp này, thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại các thông tư, nghị định hướng dẫn hiện hành, với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng cho các trường hợp chó, mèo không được tiêm phòng dại. Thêm vào đó, ngành giáo dục tỉnh cũng tăng cường truyền thông đến phụ huynh thông qua Facebook và Zalo của các trường học nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế số ca bị chó cắn, đặc biệt là ở trẻ em.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/can-co-bien-phap-kiem-soat-benh-dai-quyet-liet-hon-125103.html
Zalo