Chống 'giặc ở trong lòng': Quyết tâm đủ mạnh để đất nước phát triển vươn mình

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời đã chỉ mặt đặt tên 'Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ 'giặc ở trong lòng', 'Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn'. Trong đó, cái hại lớn nhất, nguy hiểm nhất là làm suy giảm nguồn lực, tạo rào cản vô hình cho mọi sự phát triển. Vì thế, để đất nước không bỏ lỡ cơ hội lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình, thì một trong những mệnh lệnh cấp bách, từ mỗi người dân Việt, là diệt cho được 'giặc từ chính trong lòng mình'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất sớm, đã nhận ra sự nguy hiểm, hậu quả nặng nề của lãng phí. Tháng 9/1947, trong bài viết “Cán bộ và đời sống mới” đăng trên báo Sự thật, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Hoang phí là một tội ác”. Tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, vào tháng 02/1957, Người tiếp tục chỉ rõ: “Để lãng phí là có tội với nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”. Người chỉ rõ: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”; “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Theo Người, tác hại của loại giặc nội xâm này chẳng khác nào như cỏ dại đối với lúa; muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.

Vì sự nguy hiểm, tổn hại nghiêm trọng ấy, trong bài viết “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Người cho rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”; “Tham ô, lãng phí, quan liêu vẫn còn thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công”. Người khẳng định: Phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một cuộc đấu tranh cách mạng, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để.

Nhận thức rất rõ, rất sớm mối nguy hiểm khôn lường của lãng phí, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, như Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết: “Chống lãng phí” đã chỉ rõ, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau… Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí; Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức…

Những dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.

Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức…

Như vậy, một trong những yếu tố căn cốt để có thể cải thiện, nâng cao hiệu quả công cuộc chống lãng phí là phải gây dựng lại cho được văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội. Nói gây dựng lại bởi đối với người Việt, tiết kiệm đã trở thành một trong những nét văn hóa tiêu biểu được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, văn hóa tiết kiệm đã bị mai một, xem nhẹ, thậm chí bị làm vẩn đục.

Để gây dựng lại văn hóa tiết kiệm, rõ ràng phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp rồi mới có thể lan tỏa ra toàn xã hội, trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu, đi đầu. Hơn thế nữa, văn hóa tiết kiệm phải lan rộng, thấm sâu vào trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, đi vào nếp nghĩ, vào tư duy, từ hành động việc làm thường nhật, nhỏ nhất mỗi ngày.

Trong đó, lãnh trách nhiệm lớn trong việc lan tỏa sâu rộng văn hóa tiết kiệm đến từng nhà, từng người, không gì khác chính là đội ngũ báo chí truyền thông. Những dòng tin, bài viết về những hành động, tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ góp sức vào việc hình thành nên những hành động tiết kiệm một cách tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, trở thành văn hóa ứng xử của người Việt trong thời đại mới và trên hết, quan trọng nhất, là giúp mỗi người trong chúng ta, chống và thắng được “giặc trong lòng mình”.

Như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đó là kỷ nguyên của phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, lãng phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực công và kinh tế, như khẳng định của TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội, là yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, gây tổn thất lớn cho ngân sách Nhà nước và làm suy yếu nền kinh tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, nếu để lãng phí các nguồn lực có thể làm chậm bước phát triển của đất nước. Vì thế, để đất nước, dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển nhanh và bền vững, “căn bệnh lãng phí”, “giặc ở trong lòng” cần phải được kiên quyết loại bỏ với quyết tâm mạnh mẽ nhất.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chong-giac-o-trong-long-quyet-tam-du-manh-de-dat-nuoc-phat-trien-vuon-minh-post318191.html
Zalo