Cần chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp 'sếu đầu đàn'

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, nhưng cần hơn nữa những chính sách tạo điều kiện phát triển các chuỗi công nghiệp; đồng thời, tạo cơ hội để cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế.

Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế.

Công nghiệp Việt Nam phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài

Phát biểu tại tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn” ngày 24/9/2024, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có một số doanh nghiệp tạm coi là “sếu đầu đàn” như Vingroup, THACO, Hòa Phát… Tuy nhiên, số lượng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Phát triển ngành công nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

Có cùng quan điểm trên, ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí- Bộ Công Thương cho rằng: chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đang xử lý công nghệ nền. Các chương trình dự án về năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc... chúng ta đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, như vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao

"Điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là liên quan đến việc đánh giá năng lực nhà thầu, chúng ta phải giải quyết được điểm nghẽn này", ông Vũ Văn Khoa chia sẻ.

TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển các ngành công nghiệp cần định vị vai trò của ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào.

Hiện Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Cơ cấu ngành công nghiệp hiện đang có sự chênh lệch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao, chiếm 22-23% GDP, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%. Ngoài ra, hệ thống chuỗi công nghiệp chưa rõ ràng. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới, chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.

"Doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam có lớn, nhưng chậm. Cần có những cách tiếp cận mới, khác thường để có những bước tiến xứng tầm, đúng với thời đại", TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.

Phải kết nối được vào chuỗi cung ứng thế giới

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà chia sẻ, tiềm lực nguồn vốn ở doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu. Doanh nghiệp trong nước không đủ nguồn vốn để đầu tư làm thép cán nóng. Do vậy, để đảm bảo phát triển, Sơn Hà chọn đầu tư sản xuất thép cán nguội và gia công sản phẩm ống và ống công nghiệp. Sản phẩm ống công nghiệp của Sơn Hà đã xuất ra nhiều thị trường.

Để cải thiện, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng phải kết nối được vào chuỗi cung ứng thế giới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp thế mạnh, nền tảng. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chúng ta ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí sản xuất, chi phí gia công... gia tăng lợi thế trong xuất khẩu.

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, cần chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước lớn mạnh, vươn tầm thế giới cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế. "Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng cần hơn nữa những chính sách tạo ra các chuỗi công nghiệp của Việt Nam, do người Việt nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI. "Chúng ta hãy học tập Nhật Bản, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhiều tầng. Có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp cực lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ... Từ chiến lược này, chúng ta dễ dàng phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng doanh nghiệp", TS. Trần Đình Thiên nói.

Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là hành động “bơm máu” cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế, từ đây, nhiều gương mặt tỷ phú mới sẽ xuất hiện, tạo ra những “sếu đầu đàn” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Hoàng Mạnh Tân, ở góc độ thị trường, bằng cách nào đó tăng cường niềm tin đối với doanh nghiệp Việt Nam, giao cho những dự án mà doanh nghiệp có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.

Để doanh nghiệp phát triển, trở thành trụ cột cần thời gian dài, nhiều năm, vì vậy, cần chính sách lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cần chủ động các kế hoạch để nắm bắt cơ hội, trở thành những trụ cột phát triển của đất nước, vươn tầm thế giới.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-chinh-sach-ho-tro-cac-doanh-nghiep-seu-dau-dan-155934.html
Zalo