Cần chính sách đặc biệt thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế

Tại Tọa đàm 'Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính' do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4, ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính).

ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính).

Vai trò của trung tâm tài chính quốc tế với Việt Nam là kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính quốc tế và dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tạo đột phá về thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thiết lập trung tâm tài chính quốc tế là thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…).

Theo bà Lưu Ánh Nguyệt, hiện có nhiều trung tâm tài chính quốc tế có vị trí địa lý gần Việt Nam như: Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc)… Để tận dụng được những lợi ích mà trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mang lại đòi hỏi có các quy định chuyên sâu và sự kết nối giữa trung tâm tài chính trong nước và trung tâm tài chính quốc tế.

Có thể thấy, định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ ở mức độ là trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu và ở Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế có mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau để tránh sự cạnh tranh của hai trung tâm ngay ở trong nước. “Nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng…”, ThS. Lưu Ánh Nguyệt cho biết.

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, có những thách thức nhất định. Đơn cử về hạ tầng và thể chế, hạ tầng kinh tế xã hội có đóng góp tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ, giao thông quá tải, mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, thiếu quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư.

“Việc đầu tiên khi muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đó là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Cụ thể, xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như: Fintech, nền tảng số; đồng thời, áp dụng mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm) như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sự ổn định và minh bạch thị trường; phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ”, ThS. Lưu Ánh Nguyệt đề xuất.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, ngành Ngân hàng giữ vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, đó là vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển. “Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố: Ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại và bán lẻ, bất động sản và du lịch…

Toàn cảnh sự kiện

Toàn cảnh sự kiện

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

“Mỗi quốc gia sẽ có một mô hình, chính sách đặc thù. Việt Nam cũng hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với các chính sách hiện hành, điều kiện kinh tế xã hội của riêng mình. Chúng tôi tin tưởng, với sự góp mặt của gần 100 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước, sự kiện sẽ là nơi hội tụ của những góc nhìn đa chiều, những kinh nghiệm quốc tế sâu sắc và nhiều sáng kiến trong xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”, bà Lê Thị Thúy Sen khẳng định.

Ông Richard D. McClellan phát biểu tại sự kiện

Ông Richard D. McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư:

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế cao, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực cũng như thực hiện các cải cách quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Là Cơ quan soạn thảo nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng trong trung tâm tài chính, NHNN cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập lộ trình tuân thủ các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), đảm bảo rằng các quy định về sandbox phù hợp với các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) ngay từ giai đoạn đầu.

Việc NHNN chủ động truyền đạt rõ ràng tiến trình tuân thủ đến thị trường quốc tế là rất quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút đầu tư. NHNN cần thiết kế các cơ chế di chuyển vốn minh bạch và an toàn, có thể triển khai theo từng giai đoạn, đồng thời đảm bảo giám sát chặt chẽ các hoạt động AML/CFT để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách xám của FATF. Việc xây dựng khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả các quy định về sandbox cho công nghệ tài chính, tài sản mã hóa và tiền điện tử, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn thận trọng phù hợp với Basel III, là cần thiết để tạo môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-chinh-sach-dac-biet-thu-hut-dau-tu-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-20250416121422050.htm
Zalo