Cần chế độ đặc thù đối với học viên xóa mù chữ để họ theo học lâu dài
Theo lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, mức kinh phí hỗ trợ học viên lớp xóa mù chữ hiện tại rất hạn chế, chưa đủ để tạo ra động lực mạnh mẽ cho người học.
Công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và triển khai bền bỉ qua nhiều năm.
Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tại một số địa phương hiện nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, hành trình này vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, trong đó rào cản lớn nhất xuất phát từ nhận thức của người dân.
Cần có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ cấp bách được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần làm ngay tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.
Xóa mù chữ có tín hiệu khởi sắc giữa muôn vàn thách thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Võ Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2024, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và cấp tiểu học mức độ 3. Về phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở, huyện có 5/11 xã đạt mức độ 3 và 6/11 xã còn lại đạt mức độ 2.
Bên cạnh đó, huyện Sa Thầy cũng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác giáo dục. Cụ thể, 100% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; toàn bộ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 27,2%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 với tỷ lệ 100% và 91,12% thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Ngoài ra, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi đang theo học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt 58,73% và 82% trẻ khuyết tật được tạo điều kiện đến trường.
Trong năm 2024, huyện Sa Thầy có tổng 35.013 người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi thuộc diện xóa mù chữ. Trong đó, số người biết chữ mức độ 1 đạt tỷ lệ 98,58% (khoảng 34.520 người) và 1,41% người mù chữ (khoảng 493 người); số người biết chữ mức độ 2 đạt tỷ lệ 97,38% (khoảng 34.094 người).
Về số lượng lớp học, trong năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy tổ chức duy nhất 1 lớp học với 34 học viên, hoàn thành chương trình vào tháng 1/2023.
Tới năm học 2023-2024, huyện có 17 lớp học được mở mới với tổng cộng 480 học viên, trong đó có 8 lớp học với 214 học viên đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ.
Bước sang năm học 2024-2025, địa phương tiếp tục triển khai 26 lớp học với tổng 698 học viên, bao gồm 9 lớp học (266 học viên) từ năm trước chuyển sang và 17 lớp học mới (432 học viên). Chương trình xóa mù chữ dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất vào ngày 31/5/2025.
Theo bà Võ Thị Kim Dung, mặc dù huyện Sa Thầy đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục nhưng địa phương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình triển khai.
Về vấn đề kinh phí, việc hỗ trợ cho giáo viên tham gia dạy các lớp xóa mù chữ được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy thực hiện dựa trên các quy định hiện hành của Nhà nước và Nghị quyết số 58/2022/NQ-HĐND ngày 29/08/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum.
Các văn bản này đã đưa ra quy định cụ thể về nội dung và mức chi để triển khai đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ cũng như hỗ trợ người dân tham gia xóa mù chữ. Tuy nhiên, việc bố trí và phân bổ nguồn lực tài chính của huyện vẫn gặp nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục.
“Bên cạnh vấn đề kinh phí, sự tiếp nhận của người dân, đặc biệt là đối tượng học viên lớn tuổi cũng là một rào cản đáng kể trong quá trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Đa số học viên tham gia các lớp xóa mù chữ đều trong độ tuổi lao động và là trụ cột kinh tế trong gia đình. Với lịch trình công việc bận rộn, họ thường phải làm nương rẫy ở những khu vực xa nhà vào ban ngày và chỉ có thể tham gia lớp học vào buổi tối. Điều này khiến việc duy trì sĩ số trở nên vô cùng khó khăn, bởi sau một ngày lao động vất vả, phần lớn học viên chỉ mong có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau, dẫn đến tỷ lệ học viên bỏ dở chương trình xóa mù chữ còn khá cao.
Ngoài ra, nhiều học viên lớn tuổi do vốn tiếng Việt hạn chế đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng và giao tiếp với giáo viên. Đồng thời, tâm lý tự ti, ngại ngùng khi tham gia lớp học cũng là một trở ngại lớn khiến họ e dè trong việc bày tỏ ý kiến hay đặt câu hỏi trong quá trình học. Những rào cản này vô hình trung đã làm gia tăng thách thức cho công tác xóa mù chữ tại địa phương”, bà Võ Thị Kim Dung cho hay.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sửu - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 3 lớp xóa mù chữ được tổ chức tại các xã Dang Cang, Hòa Phong và Yang Reh với khoảng 20-25 học viên mỗi lớp, diễn ra vào buổi tối các ngày trong tuần.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác xóa mù chữ tại địa phương cũng gặp không ít trở ngại, đặc biệt ở những khu vực giao thông cách trở và các vùng dân tộc thiểu số. Những khó khăn này không chỉ đến từ điều kiện kinh tế mà còn từ các thách thức trong quá trình điều tra và vận động người dân tham gia học tập.
“Trước tiên, công tác điều tra gặp phải nhiều trở ngại xuất phát từ đặc thù công việc và sinh hoạt của người dân địa phương. Ban ngày, phần lớn người dân thường bận rộn với việc làm nương rẫy, chăn nuôi hoặc làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Do đó, nhà cửa luôn trong tình trạng đóng kín khiến cán bộ địa phương và giáo viên rất khó tiếp cận để thu thập thông tin chính xác về tình trạng mù chữ cũng như nhu cầu học tập.
Thứ hai, nhiều trường hợp khi thấy thầy cô giáo đến nhà, người dân tỏ ra dè dặt, e ngại, thậm chí tìm cách tránh né hoặc từ chối tiếp xúc. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý tự ti, thiếu niềm tin hoặc chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học chữ. Tình trạng này không chỉ làm chậm tiến độ mà còn gây áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia công tác vận động.
Ngoài ra, do điều kiện kinh tế và khoảng cách địa lý, nhiều giáo viên tham gia công tác điều tra không cư trú tại địa bàn phải di chuyển quãng đường rất xa để thực hiện nhiệm vụ. Điều này không chỉ làm tăng thêm khó khăn mà còn khiến quá trình triển khai thiếu tính liên tục và kém hiệu quả”, anh Nguyễn Ngọc Sửu thông tin.
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại lớn trong quá trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục là tính bền vững trong việc duy trì sự tham gia của học viên. Ban đầu, người dân rất hăng hái và nhiệt tình đăng ký tham gia nhưng sau một thời gian học, nhiều người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và mất động lực.
Đặc biệt, nhóm lao động trẻ trong độ tuổi từ 30-35 tuổi thường gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì việc học, phần lớn phải rời quê hương để đi làm công nhân tại các thành phố lớn hoặc tham gia các công việc thời vụ tại địa phương. Tình trạng này càng trầm trọng hơn bởi sự thiếu ổn định về việc làm tại chỗ, khiến người dân không thể dành thời gian cho việc học tập lâu dài.
Ngoài ra, đặc thù văn hóa và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một thách thức lớn. Các dân tộc ở địa phương có tiếng nói riêng biệt và đa số người lớn tuổi hiếm khi giao tiếp bằng tiếng Kinh, đặc biệt là những cộng đồng di cư từ vùng núi phía Bắc như đồng bào dân tộc Mông.
Họ không chỉ đối mặt với rào cản ngôn ngữ mà còn ít có cơ hội tiếp xúc với văn hóa và nền giáo dục chính thống. Thậm chí, một số người chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Điều này khiến việc giảng dạy và vận động học viên tham gia các lớp học xóa mù chữ càng thêm khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực lớn từ đội ngũ giáo viên.
Cần thêm chế độ đãi ngộ nhằm thu hút học viên tham gia xóa mù chữ
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sửu, tại huyện Klông Bông hiện nay, mức chi cho học viên tham gia lớp học xóa mù chữ là 500.000 đồng/người/chương trình học dựa theo Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính và Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Khoản 5,6 Điều 20 Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định nội dung, mức chi hỗ trợ công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số như sau:
5. Chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi ngân sách nhà nước được giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ.
6. Chi hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho giáo viên và học viên theo thực tế phát sinh; riêng hỗ trợ học phẩm cho học viên áp dụng theo tiêu chuẩn từng bậc học quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
“Mức kinh phí hiện tại thực sự rất hạn chế, chưa đủ để tạo ra động lực mạnh mẽ cho người học. Việc đầu tư vào giáo dục không nên chỉ dừng lại ở chế độ dành cho giáo viên hay cơ sở vật chất, thiết bị học tập mà quan trọng hơn là phải có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học. Chính người học mới là trung tâm của mọi nỗ lực giáo dục nhưng hiện nay họ lại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng.
Theo tôi, cần triển khai các chính sách hỗ trợ thực tế và hữu ích hơn, chẳng hạn như cung cấp học bổng, trợ cấp hoặc các chương trình hỗ trợ tài liệu học tập. Những giải pháp này sẽ giúp người học có thêm động lực để gắn bó lâu dài với con đường giáo dục. Nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà thiếu các hành động cụ thể, người dân có thể lắng nghe và thử tham gia nhưng rất dễ bỏ cuộc khi không cảm nhận được lợi ích rõ ràng và thiết thực.
Trở ngại lớn nhất hiện nay có lẽ là nhận thức của những người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người chưa nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc học hoặc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế khiến họ không thể kiên trì theo đuổi giáo dục một cách bền vững.
Đây chính là vấn đề cốt lõi mà các chính sách cần ưu tiên xử lý. Khi người học được hỗ trợ hiệu quả, không chỉ bản thân họ mà cả chất lượng giáo dục nói chung cũng sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Nguyễn Ngọc Sửu cho hay.
Cùng bàn về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo một tỉnh miền núi phía Bắc cho rằng, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời đối với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cũng như kinh phí dành cho học viên tham gia các chương trình xóa mù chữ là vô cùng cần thiết.
Việc đầu tư đầy đủ không chỉ giúp người học có môi trường học tập tốt hơn mà còn tạo động lực để họ kiên trì với quá trình học tập. Đặc biệt, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng giáo dục cần được cải thiện một cách toàn diện từ nội dung giảng dạy đến phương pháp tổ chức để phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu thực tế của người dân.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách hỗ trợ học viên lớp xóa mù chữ như trợ cấp, miễn giảm học phí hay cung cấp học liệu miễn phí cần được duy trì ổn định. Không chỉ dừng lại ở đó, các chính sách này cần được nâng cao về mức độ và phạm vi áp dụng, đảm bảo đáp ứng tốt hơn những khó khăn thực tế mà học viên và gia đình đang gặp phải.
Đồng thời, vị này nhấn mạnh rằng để nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo cùng cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao là một yếu tố cần được đặc biệt chú trọng.
Theo đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, trách nhiệm, tâm huyết với nghề; chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Ngoài ra, chế độ và chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên, đặc biệt là những người công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các cơ sở giáo dục chuyên biệt nên được thực hiện đầy đủ. Điều này nhằm khích lệ tinh thần và nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ giáo viên, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục ở những khu vực còn nhiều thách thức.
Trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao tính bền vững đối với các chương trình xóa mù chữ, đặc biệt là xóa mù chữ chức năng, giúp người học không chỉ biết đọc, viết mà còn có thể áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.
Công tác xóa mù chữ cũng sẽ được gắn chặt với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cùng các phong trào thi đua như gia đình học tập, dòng họ học tập, cũng như xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa. Những hoạt động này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn xây dựng một cộng đồng học tập gắn kết và bền vững.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, theo bà Võ Thị Kim Dung, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, để nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa phương, cần triển khai những biện pháp cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế như sau:
Một là nội dung học tập cần thiết thực và bám sát đời sống cũng như nhu cầu của người dân. Các chủ đề như kỹ năng sống, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, quản lý tài chính gia đình không chỉ cung cấp thông tin hữu ích mà còn giúp người học thấy rõ lợi ích thực tế từ việc tham gia học tập.
Hai là phương pháp giảng dạy cần được áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp thu của học viên. Chẳng hạn, có thể kết hợp giảng dạy với các hoạt động thực hành như tính toán mua bán nông sản trong đời sống hàng ngày của người học, giúp họ dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Ba là cần gắn kết nội dung giảng dạy với văn hóa và bản sắc dân tộc tại địa phương. Trong các buổi học, các cô giáo của huyện Sa Thầy đã lồng ghép các hoạt động văn hóa như trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ hoặc chia sẻ về truyền thống dân tộc trong thời gian giải lao. Điều này không chỉ làm cho việc học tập trở nên thú vị hơn mà còn giúp người học nhận thức được những giá trị văn hóa ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Đồng thời, việc duy trì các hoạt động học tập song song với các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc lễ hội dân gian cũng là một giải pháp hiệu quả. Các hoạt động này tạo cách tiếp cận gần gũi và sáng tạo đối với người học, đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Cuối cùng, để tạo động lực và gắn kết với học viên, mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ và đồng cảm kịp thời với người học. Sự quan tâm chân thành này không chỉ giúp học viên cảm thấy được thấu hiểu mà còn khích lệ họ nỗ lực hơn trong quá trình xóa mù chữ.